/ Tin tức
/ Đề xuất xử lý hình sự hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đề xuất xử lý hình sự hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

23/11/2023 19:52 |

(LSVN) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Ảnh minh họa.

Ngày 23/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) phản ánh thời gian qua, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ BHXH của người lao động.

Đại biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có việc chưa quản lý chặt chẽ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Các giải pháp xử lý tình trạng chậm, trốn đóng BHXH vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. 

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định cụ thể về các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc với các biện pháp xử lý, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên, để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu, bổ sung một số biện pháp, chế tài như: Khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo, đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định (có thể là 03 tháng); công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Bên cạnh đó, Đại biểu cho rằng, cần có các quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Cụ thể, cần chỉnh sửa, bổ sung khoản 4, khoản 5, Điều 37, dự thảo Luật theo hướng: Khi người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH và cơ quan có thẩm quyền đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà người sử dụng lao động vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn và người lao động cũng có quyền khởi kiện người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khi người sử dụng lao động có dấu hiệu phạm tội "Trốn đóng BHXH" theo quy định của Bộ luật Hình sự, thì không chỉ cơ quan BHXH, mà tổ chức công đoàn, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về lao động, BHXH và người lao động đều có quyền kiến nghị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Đại biểu cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của việc khởi kiện, khởi tố đối với các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Cùng phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cơ bản thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định nhằm đảm bảo an sinh xã hội; bên cạnh đó, có quy định cụ thể nhằm ngăn chặn tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) thì nhận định dự án Luật mặc dù được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng đã đặt ra nhiều vấn đề sâu sắc và tương đối toàn diện. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, Nhà nước về BHXH và tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn, trở thành trụ cột an sinh xã hội chính, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội trước áp lực già hóa dân số, tác động của cách mạng, khoa học công nghệ đến thị trường lao động và những bất cập trong khi BHXH hiện hành; đảm bảo kế thừa, ổn định và phát triển. 

Đồng thời, rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý BHXH, đầu tư quỹ BHXH, khả năng cân đối Quỹ BHXH. Rà soát kỹ về quyền trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân về BHXH và tổ chức thực hiện Luật BHXH, đặc biệt là vấn đề xử lý vi phạm các đối tượng trốn đóng BHXH.

TRẦN QUÝ

Những khoản chi phí khám bệnh sẽ được bảo hiểm chi trả

Nguyễn Hoàng Lâm