Ảnh minh họa.
Theo Quyết định 359/QĐ-VKSTC, tại mục tiêu ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thì 100% các loại văn bản, giấy tờ có thể tống đạt, cung cấp cho người nhận (đương sự, bị can, bị cáo, bị án, Luật sư...) bằng hình thức điện tử khi họ có nhu cầu và phải đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bảo đảm điều kiện kỹ thuật để tiếp nhận các loại đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân, đương sự và trả lời theo hình thức trực tuyến.
Ngoài ra, theo mục tiêu ứng dụng trong hoạt động nghiệp vụ còn quy định một số nội dung sau:
- 100% hồ sơ vụ án, vụ việc trong ngành Kiểm sát đã đưa vào lưu trữ được số hóa, trên cơ sở đó hình thành kho dữ liệu số về các hoạt động nghiệp vụ kiểm sát;
- Đến năm 2025, khoảng 60% hồ sơ nghiệp vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát các cấp được số hóa, bảo đảm phục vụ hiệu quả cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và lưu trữ hồ sơ khi kết thúc các hoạt động nghiệp vụ. Đến năm 2030, tỉ lệ số hóa hồ sơ nghiệp vụ là 100%;
- 100% các loại sổ sách theo dõi các khâu công tác về nghiệp vụ (sổ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm; sổ thụ lý điện tử hình sự, sổ thụ lý kiểm sát án dân sự,…) được thực hiện trên các phần mềm quản lý;
- 100% báo cáo thống kê liên ngành, thống kê nghiệp vụ kiểm sát được thực hiện dưới dạng điện tử, được số hóa, áp dụng chữ ký số, thực hiện tự động trên nền tảng ứng dụng;
- Phát triển, trang bị trợ lý ảo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ cho hoạt động của Kiểm sát viên trong tra cứu văn bản pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, tham khảo nghiệp vụ đối với các loại vụ việc, vụ án tương tự;
- 100% giám định về âm thanh, hình ảnh khi có nhu cầu được thực hiện tại phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; đáp ứng 100% các cuộc hỏi cung bị can yêu cầu có hệ thống ghi âm, ghi hình có âm thanh;
- Sẵn sàng kết nối để thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành trong việc trao đổi thông tin; tổ chức phiên tòa trực tuyến, hỏi cung, lấy lời khai trực tuyến khi có yêu cầu và kết nối, chia sẻ dữ liệu để thực hiện nhiệm vụ được quy định trong Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư.
Bên cạnh đó, cũng theo mục tiêu ứng dụng quản lý, chỉ đạo điều hành thì đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được quy định tại Quyết định 359/QĐ-VKSTC thì 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Kiểm sát được gắn định danh số trong xử lý công việc, sử dụng thành thạo các ứng dụng, trang thiết bị công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn.
Được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản về ứng dụng công nghệ thông tin.
Một số mục tiêu ứng dụng quản lý, chỉ đạo điều hành khác đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 như sau:
- Có khả năng đáp ứng về nền tảng quản trị thống nhất cho 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của Viện Kiểm sát; 100% nhiệm vụ giao xuống các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện được cập nhật trên hệ thống quản lý công việc;
Viện Kiểm sát cấp trên có thể theo dõi, kiểm tra được tiến độ công việc của Viện Kiểm sát cấp dưới và Thủ trưởng đơn vị có thể quản lý công việc của từng công chức, viên chức thông qua môi trường số và hệ thống thông tin;
- 100% văn bản trao đổi, xử lý công việc hành chính trong ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện trên môi trường mạng, có chữ ký số chuyên dùng (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật và của ngành);
- Khi có yêu cầu, 100% các cuộc họp có thể tổ chức bằng hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và truyền thống; 100% các điểm cầu cho phép họp trên các thiết bị di động như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Các chương trình tập huấn, thi tuyển, thi nâng ngạch quản lý nhà nước có thể thực hiện trực tuyến và đảm bảo chất lượng khi có yêu cầu; tăng cường khả năng làm việc từ xa của công chức, viên chức;
- 100% hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức được xác nhận, lưu trữ trên cơ sở dữ liệu nhân sự bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và quản lý theo phân cấp, kịp thời cập nhật thông tin, dữ liệu khi có thay đổi, bảo đảm liên thông với hồ sơ quản lý đảng viên, quản lý công tác thanh tra, quản lý công tác thi đua khen thưởng...;
- 100 % đơn vị dự toán trong ngành sử dụng đầy đủ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính- kế toán, quản lý đầu tư, quản lý tài sản công;
- 100% cơ sở dữ liệu của các đơn vị phục vụ, hành chính - sự nghiệp trong ngành được hình thành và kết nối, chia sẻ trong nội bộ, có thể liên thông với đơn vị ngoài Ngành khi có yêu cầu.
Quyết định 359/QĐ-VKSTC này có hiệu lực từ ngày ký.
MINH NGUYÊN