(LSVN) - Di chúc là sự thể hiện ý chí của một người nhằm mục đích phân chia tài sản sau khi qua đời, tránh những tranh chấp không đáng có. Vậy, thế nào là di chúc, di chúc được sửa đổi trong trường hợp nào?
Ảnh minh họa.
Di chúc và người lập di chúc là gì?
Theo Điều 624, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc như sau: "Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết".
Theo Điều 625, Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc như sau:
Người thành niên có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình khi đủ điều kiện theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 630, Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; đồng thời, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản, nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng như sau:
Theo Điều 628, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc bằng văn bản như sau:
- Di chúc bằng văn bản bao gồm:
+ Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
+ Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
+ Di chúc bằng văn bản có công chứng.
Ngoài ra, theo Điều 635, Bộ luật Dân sự 2015 thì người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực bản di chúc.
Theo Điều 629, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc miệng như sau:
- Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
- Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Trường hợp được thay đổi di chúc
Theo Điều 640, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau:
Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Lưu ý:
- Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.
Như vậy, di chúc hoàn toàn có thể được sửa đổi bất cứ lúc nào tùy theo ý chí, nguyện vọng của người lập.
QUÝ NGUYỄN
Hỗ trợ đơn vị sự nghiệp y tế công lập do tác động của dịch Covid-19