Dịch Covid-19 có được xem là sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong hợp đồng?
Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Tuy nhiên, BLDS 2015 không liệt kê cụ thể các sự kiện bất khả kháng, mà vấn đề này thường được quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng, sự kiện bất khả kháng được quy định gồm: Thiên tai, sự cố môi trường, địch họa, hỏa hoạn và các yếu tố bất khả kháng khác. Trong hoạt động tư vấn, thi công xây dựng, bất khả kháng còn bao gồm các sự kiện như gặp hang caster, cổ vật, khảo cổ, túi bùn mà khi ký hợp đồng các bên chưa lường hết được trong quá trình tư vấn, thi công xây dựng (Điều 51 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ; Điều 16 Thông tư 08/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016; Điều 10 Thông tư 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng).
Ngoài ra, các sự kiện bất khả kháng còn được các bên định nghĩa và liệt kê tại hợp đồng. Tùy tính chất từng loại hợp đồng mà phạm vi sự kiện bất khả kháng có thể được liệt kê rộng, hẹp khác nhau. Trong điều khoản về bất khả kháng tại hầu hết các hợp đồng hiện nay, cụm từ “dịch bệnh” thường được liệt kê là một trong các sự kiện bất khả kháng. Vậy, loại dịch bệnh như thế nào và đến mức độ nào thì mới được coi là sự kiện bất khả kháng? Tình trạng dịch Covid-19 hiện nay đã được coi là sự kiện bất khả kháng hay chưa?.
Đối chiếu quy định tại khoản 1 Điều 156 BLDS 2015 thì dịch Covid-19 đã có đủ 3 yếu tố để được xem xét là một sự kiện bất khả kháng: (i) Xảy ra một cách khách quan; (ii) các bên không thể lường trước được; và (iii) không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên, trong quan hệ hợp đồng, việc xác định yếu tố dịch bệnh có phải là sự kiện bất khả kháng hay không để xem xét miễn trừ trách nhiệm pháp lý của các bên chưa bao giờ là dễ dàng và thường dẫn đến những tranh chấp. Đây là một vấn đề của tư pháp và quyền phán quyết cuối cùng thuộc về các thẩm phán. Kinh nghiệm cho thấy, các thẩm phán luôn đề cao nguyên tắc cẩn trọng khi xem xét vấn đề này.
Theo từ điển Wikipedia: “Dịch bệnh là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cồng đồng hoặc một khu vực trong vòng một thời gian ngắn”. Căn cứ định nghĩa trên, để khẳng định bệnh Covid-19 có phải là một dịch bệnh hay không, cần phải xem xét đến các khía cạnh sau:
- Về mặt dịch tễ học, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) gây ra có phải là một bệnh truyền nhiễm hay không?
- Quy mô lây lan, phát tán của bệnh và số lượng người nhiễm bệnh, số người tử vong do bệnh gây ra. Yếu tố này để đánh giá về mức độ tác hại của bệnh đối với sức khỏe, tính mạng con người và các mặt đời sống kinh tế - xã hội;
- Các tuyên bố của nhà chức trách về dịch bệnh. Tuyên bố này thường đòi hỏi dựa trên cơ sở về số lượng hay tỷ lệ mới mắc của bệnh. Yếu tố này rất quan trọng về pháp lý để xác định thời điểm phát sinh sự kiện bất khả kháng.
Việc xem xét các yếu tố trên đây có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, cùng là một bệnh nhưng ở địa phương/quốc gia này coi là dịch nhưng ở địa phương/quốc gia khác lại không coi là dịch, thì vấn đề xác định bệnh dịch đó là sự kiện bất khả kháng trong quan hệ hợp đồng sẽ như thế nào? Hoặc một bệnh đã lây lan trên thực tế nhưng chưa có tuyên bố của nhà chức trách về một dịch bệnh thì có thể coi đó là một sự kiện bất khả kháng hay không?
Đối với dịch Covid-19, khi xem xét kỹ hơn các yếu tố pháp lý trên đây, có thể nhận thấy:
- Ngày 29/01/2020, tại Quyết định 219/QĐ-BYT, Bộ Y tế Việt Nam đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (có tên gọi là Covid-19) vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 các bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm những bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
- Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra là dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, thời điểm xẩy ra dịch là từ ngày 23/01/2020.
- Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) là một đại dịch toàn cầu.
- Ngày 27/3/2020, Thủ tướng Chính phù ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
- Ngày 31/3/2020, Thủ tướng chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc trong thời hạn 15 ngày từ 0 giờ ngày 01/4 đến hết ngày 15/4/2020.
- Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, thời gian xảy ra dịch là từ ngày 23/01/2020.
Như vậy, với các sự kiện pháp lý nêu trên, chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định rằng dịch Covid-19 là một sự kiện bất khả kháng đối với các bên trong quan hệ hợp đồng.
Mặc dù vậy, để một sự kiện bất khả kháng là căn cứ xem xét miễn trừ trách nhiệm hợp đồng khi thỏa mãn các điều kiện:
Thứ nhất, sự kiện đó gây ảnh hưởng hoặc cản trở trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng của các bên, khiến cho một hoặc các bên vi phạm hợp đồng hoặc không thể thực hiện được hợp đồng.
Thứ hai, các bên đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được tác động của sự kiện bất khả kháng đó.
Về điều kiện thứ nhất, các doanh nghiệp có thể chứng minh được dịch Covid-19 là sự kiện gây ảnh hưởng hoặc cản trở trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, khiến doanh nghiệp vi phạm hoặc không thể thực hiện hợp đồng đã ký với đối tác. Những ảnh hưởng này có thể là trực tiếp (doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) hoặc gián tiếp (do các doanh nghiệp cung cấp đầu vào phải dừng hoạt động nên doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất, hoặc do các đơn vị vận tải không hoạt động được nên doanh nghiệp không thể thực hiện việc giao hàng đúng hạn…).
Về điều kiện thứ hai, để chứng minh điều kiện này, doanh nghiệp có thể viện dẫn lý do buộc phải tạm dừng các hoạt động và thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 và số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, đối với các hợp đồng xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn có thể viện dẫn lý do phải thực hiện các lệnh cấm hoặc các biện pháp phòng chống dịch được ban bố bởi các nước liên quan.
Về thời điểm bắt đầu và kết thúc của sự kiện bất khả kháng, hiện có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời điểm bắt đầu và kết thúc sự kiện bất khả kháng là kể từ ngày Chính phủ công bố bắt đầu xảy ra dịch Covid-19 (ngày 23/01/2020) cho đến ngày được Chính phủ công bố là hết dịch bệnh. Quan điểm thứ hai cho rằng, thời điểm bắt đầu và kết thúc sự kiện bất khả kháng là từ khi Chính phủ ban hành các biện pháp cấm, hạn chế các hoạt động tụ họp đông người (Chỉ thị 15/CT-TTg) hoặc thực hiện cách ly xã hội (Chỉ thị 16/CT-TTg) cho đến khi các biện pháp này được dỡ bỏ. Từ góc độ nghiên cứu, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất. Tuy nhiên, đây sẽ là những vấn đề pháp lý hết sức phức tạp, cần phải được xem xét kỹ lưỡng dựa trên từng trường hợp cụ thể.
Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink.
Doanh nghiệp có được miễn thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19?
Nhóm điều khoản về bất khả kháng trong hợp đồng chưa bao giờ có ý nghĩa lớn như thời điểm này. Nhiều doanh nghiệp thậm chí cảm thấy hoang mang khi lật lại điều khoản về bất khả kháng “quá sơ sài” trong các hợp đồng đã ký. Chúng tôi gặp không ít trường hợp “trớ trêu” về giải thích điều khoản bất khả kháng trong thời gian qua, chẳng hạn như bên thuê sàn thương mại yêu cầu miễn hoàn toàn tiền thuê trong giai đoạn dịch bệnh vì gặp phải sự kiện bất khả kháng thì bên cho thuê có đương nhiên phải chấp thuận đề nghị đó không?; hay bên cho thuê không chấp nhận giảm giá thuê nhà/ thuê sàn thương mại hoặc cắt giảm giá cho thuê với tỷ lệ quá thấp thì bên cho thuê có cơ sở để yêu cầu mức giảm giá cao hơn không?; nhà thầu xây dựng có đương nhiên được giãn tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng; nhà đầu tư có đương nhiên được giãn tiến độ thực hiện dự án do ảnh hưởng cửa việc thực hiện Chỉ thị 16 không?; bên cho vay có được miễn giảm nghĩa vụ trả nợ, lãi suất vay,…?; và rất nhiều các câu hỏi khác tương tự,…
Để giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong hợp đồng khi gặp phải sự kiện bất khả kháng, tác giả xin trích dẫn các quy định pháp luật có liên quan như dưới đây:
Tại khoản 2 Điều 351 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 351 BLDS 2015, trách nhiệm dân sự được hiểu là trách nhiệm phát sinh do bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.
Trong quan hệ hợp đồng, nghĩa vụ hợp đồng và trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là hai phạm trù pháp lý khác nhau. Nghĩa vụ hợp đồng là nghĩa vụ của các bên phát sinh từ các thỏa thuận trong hợp đồng. Về nguyên tắc, nghĩa vụ hợp đồng không được miễn trừ, trừ trường hợp bên có quyền từ bỏ hoặc chủ động miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ đó. Còn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng là trách nhiệm dân sự phát sinh do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên (bên vi phạm) đối với bên còn lại (bên bị vi phạm). Trách nhiệm dân sự chỉ phát sinh khi có hành vi vi phạm hợp đồng, bao gồm phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên. Trách nhiệm dân sự có thể được miễn trong một số trường hợp, như gặp phải sự kiện bất khả kháng.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì doanh nghiệp không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng với bên bị vi phạm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác), nhưng doanh nghiệp sẽ không được miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng với bên còn lại, trừ trường hợp bên có quyền chủ động miễn, giảm một phần hoặc toàn bộ các nghĩa vụ đó.
Dưới đây chúng tôi xin phân tích một số trường hợp cụ thể:
Trong hợp đồng thuê nhà hoặc văn phòng: Việc bên thuê yêu cầu miễn hoàn toàn tiền thuê nhà hoặc văn phòng là không có cơ sở. Vì thanh toán tiền thuê là nghĩa vụ hợp đồng đối với bên thuê nhà/văn phòng. Do vậy, bên cho thuê nhà có quyền từ chối với đề nghị trên. Tuy nhiên, việc bên cho thuê khăng khăng giữ nguyên tiền thuê hoặc giảm giá thuê không đáng kể thì cũng không thể hiện thiện chí chia sẻ thiệt hại với bên thuê. Như vậy có thể dẫn đến rủi ro cho bên cho thuê là bên thuê vẫn sử dụng nhà/văn phòng mà không thanh toán cho bên cho thuê với lí do chưa thể thực hiện ngay việc thanh toán do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong trường hợp này, bên thuê nhà/văn phòng sẽ không phải chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng với bên cho thuê. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hợp đồng có quy định rõ quyền của bên thuê được “tạm dừng” thực hiện hợp đồng khi gặp sự kiện bất khả kháng nhưng không bắt buộc phải “chấm dứt” hợp đồng. Vậy, nếu bên cho thuê không thiện chí chia sẻ thiệt hại với bên thuê trong trường hợp này thì bên thuê có thể lựa chọn biện pháp tạm dừng thực hiện hợp đồng, khiến bên cho thuê sẽ bị gián đoạn nguồn thu trong thời gian tạm dừng hợp đồng.
Trong hợp đồng xây dựng: Việc nhà thầu phải giãn tiến độ thực hiện hợp đồng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với các thiệt hại thực tế phát sinh từ việc chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng thực hiện hợp đồng, cũng như không phải chịu các chế tài phạt vi phạm hợp đồng xây dựng. Nhưng không đồng nghĩa với việc nhà thầu được loại trừ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký kết. Riêng trong lĩnh vực xây dựng, việc xác định trách nhiệm và xử lý các vướng mắc, thiệt hại phát sinh sẽ được các bên thực hiện theo quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015, Thông tư 08/2016/TT-BXD và Thông tư 09/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng.
Trong hợp đồng vay vốn: Bên vay không được miễn, giảm nghĩa vụ thanh toán nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng nếu chứng minh được việc không thanh toán đúng hạn là do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì bên vay được miễn trách nhiệm đối với các khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đối với bên cho vay.
Trong hợp đồng dự án: Thông thường các hợp đồng dự án quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các bên khi gặp phải sự kiện bất khả kháng, thậm chí còn quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện và thủ tục để một bên hoặc các bên được áp dụng biện pháp “tạm dừng” hoặc “chấm dứt hợp đồng” khi gặp phải sự kiện bất khả kháng nên các bên sẽ dễ hành xử hơn so với các loạt hợp đồng khác. Tuy nhiên đặc thù của hợp đồng dự án là nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng có mối liên hệ chặt chẽ và không thể tách rời nghĩa vụ của các bên liên quan đến dự án đầu tư đã được quy định tại hồ sơ pháp lý dự án, quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng. Nên về bản chất, mặc dù đã có quy định rõ ràng về điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng, nhưng việc xử lý các vướng mắc, thiệt hại thực tế vẫn phải gắn với dự án đầu tư theo các thủ tục, quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai.
Ngoài ra, mặc dù BLDS 2015 không có quy định về trách nhiệm bắt buộc phải chia sẻ thiệt hại do gặp phải sự kiện bất khả kháng, nhưng bên bị thiệt hại hoàn toàn có quyền đề nghị bên kia xem xét miễn/giảm các nghĩa vụ tài chính liên quan để chia sẻ thiệt hại với mình, vì bản chất của bất khả kháng là sự kiện khách quan ngoài khả năng tiên liệu của cả hai bên, chứ không phải do lỗi của bên không thực hiện đúng nghĩa vụ đó.
Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật TNHH Vietthink.
Doanh nghiệp phải làm gì khi không thể thực hiện được hợp đồng?
Việc phát sinh dịch Covid-19 là một tình huống pháp lý đặc biệt chưa có tiền lệ, các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị để ứng phó. Cho nên sẽ không ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp cảm thấy lúng túng trong hành xử khi không thể thực hiện được nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng do hưởng của Covid-19.
Theo tư vấn của chúng tôi, nếu trong hợp đồng không quy định rõ về nghĩa vụ và hành xử của mỗi bên khi gặp phải sự kiện bất khả kháng, thì việc trước tiên là bên vị phạm hợp đồng cần gửi thông báo cho bên còn lại về sự kiện bất khả kháng do dịch Covid-19. Trong thông báo cần ghi rõ: Thời điểm bắt đầu xác định dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng; ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với việc thực hiện hợp đồng của bên vi phạm; các biện pháp mà bên đó đã hoặc sẽ thực hiện để hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid-19; dự liệu các thiệt hại có thể phát sinh do ảnh hưởng của Covid-19 và đề nghị bên còn lại xem xét, đàm phán và thống nhất về các biện pháp xử lý tài chính, nghĩa vụ tồn đọng của bên đó trước sự kiện bất khả kháng. Các biên bản thỏa thuận/làm việc này cần được lập thành văn bản/ phụ lục của hợp đồng.
Trường hợp tiên lượng dịch Covid-19 có thể tiếp tục kéo dài thì bên có nguy cơ chịu thiệt hại cần chủ động gửi các văn bản, thông báo tiếp về việc hoãn, tạm dừng hoặc chấm dứt hợp đồng như một biện pháp để giảm thiểu thiệt hại do sự kiện bất khả kháng. Chúng tôi cho rằng theo nguyên tắc thiện chí trong xác lập và thực hiện giao dịch dân sự, bên chịu ít ảnh hưởng hơn từ sự kiện bất khả kháng có nghĩa vụ phải xem xét các đề nghị của bên còn lại để thỏa thuận các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng.
Chúng tôi cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần lưu ý theo dõi diễn biến Covid-19 để kịp thời có các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại từ bất khả kháng. Việc giữ im lặng, không có các văn bản thông báo và xác lập các thỏa thuận nêu trên có thể gây bất lợi cho doanh nghiệp trong trường hợp có tranh chấp.
Tiến sĩ, Luật sư LÊ ĐÌNH VINH
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN THANH HÀ
Công ty Luật TNHH Vietthink
Giải quyết vụ án có đồng phạm: Một số lưu ý và sai sót thường gặp