/ Nghề Luật sư
/ Diễn án online tại Học viện Tư pháp

Diễn án online tại Học viện Tư pháp

24/06/2021 09:12 |

(LSVN) - Trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã tổ chức thành công phiên tòa giả định trên nền tảng trực tuyến.

Buổi diễn án trên nền tảng Microsoft Teams.

Từ tháng 4 năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội, Học viện Tư pháp đã nhiều lần phải điều chỉnh các hoạt động đào tạo, từ đào tạo tập trung chuyển sang trực tuyến nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan, bùng phát dịch. Những khó khăn ban đầu đã được khắc phục, song hàng loạt vấn đề khác tiếp tục phát sinh khi tại nhiều chương trình đào tạo, học viên đã hoàn thành học phần nhưng chưa  thể thi hết học phần hoặc thực hiện các hoạt động đào tạo cần sự tương tác trực tiếp. 

Phiên tòa giả định trực tuyến

Trung tuần tháng 6 vừa qua, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp đã quyết định đưa hoạt động diễn án (mô phỏng một phiên tòa giả định) trên nền tảng trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Vũ Thị Hòa, Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư, hoạt động diễn án online đã được Ban Giám đốc Học viện Tư pháp thống nhất quyết định, dựa trên tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đồng thời giảm tải áp lực cho học viên cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Nếu để dồn các hoạt động diễn án, thi hết học phần tập trung vào một thời điểm sẽ gây ra nhiều khó khăn cho học viên”, Tiến sĩ Vũ Thị Hòa cho hay. 

Buổi diễn án online đầu tiên đã được thực hiện tại Lớp đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao khóa 2, do Bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết các vụ việc hành chính, Khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp tổ chức thông qua phần mềm Microsoft Teams. Theo đó, các học viên tham gia đóng vai các chức danh trong phiên tòa giả định với tình huống là một vụ kiện yêu cầu hủy các quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai. 

Khác với nhiều buổi diễn án trước đây tại Học viện Tư pháp, thay vì phòng diễn án mô phỏng trang nghiêm, có sự giám sát nghiêm ngặt của giảng viên thì buổi diễn án online là một không gian mở, học viên có thể ở nhà riêng, văn phòng và tương tác với nhau thông qua điện thoại, máy tính có kết nối mạng internet. 17 thành viên của Lớp đào tạo nghề Luật sư chất lượng cao khóa 2 tham gia các vai diễn Luật sư, Kiểm sát viên, Hội thẩm, đương sự liên quan… được kết nối bằng các cuộc gọi video trên nền tảng Microsoft Teams. Trong khi đó, 21 thành viên còn lại tham gia vai trò dự khán, đồng thời hoàn thành các phần bài tập nhận xét của mình, cũng thông qua các ứng dụng trên phần mềm Microsoft Teams.

Đáng chú ý, buổi diễn án online có sự tham gia của Thẩm phán Lê Trí Cường, Chánh tòa lao động, TAND TP. Hà Nội, giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp ở vai trò Chủ tọa phiên tòa. Với kinh nghiệm của một Thẩm phán lâu năm, “Chủ tọa” Lê Trí Cường đã biến không khí phiên tòa giả định như một phiên tòa thực thụ với đầy đủ các yêu cầu về quy trình, thủ tục tố tụng, cũng như đưa ra hàng loạt tình huống giả định là các yêu cầu bổ sung nội dung, bổ sung đương sự, cung cấp chứng cứ…

Ở chiều ngược lại là sự hưởng ứng nhiệt tình của người tham gia diễn án, dù lần đầu diễn qua màn hình máy tính, điện thoại song không hiếm những màn hỏi đáp kịch tính, tranh tụng “gay gắt” giữa các Luật sư bảo vệ người khởi kiện và người bị kiện. Buổi diễn án bắt đầu từ 8 giờ 30 phút sáng và kết thúc lúc gần 13 giờ chiều cũng phần nào phản ánh được tinh thần hào hứng đó.

Những màn đối tụng gay gắt mà sảng khoái.

Lần đầu tiên trong "lịch sử" đào tạo của Học viện Tư pháp

Nhận xét về buổi diễn án, Tiến sĩ Vũ Thị Hòa, Phó trưởng Khoa Đào tạo Luật sư cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, Học viện Tư pháp phải diễn án online. Dù là lần đầu tiên nhiều bỡ ngỡ và trên môi trường mạng nhiều hạn chế nhưng Khoa Đào tạo Luật sư đã bằng mọi biện pháp để khắc phục khó khăn, trong đó đưa một Thẩm phán thực sự nhập vai Chủ tọa điều khiển phiên tòa giả định để các học viên phải linh hoạt ứng phó với tất cả các tình huống phát sinh trong một phiên xét xử thực tế. 

Thẩm phán Lê Trí Cường bày tỏ, diễn án online là một trải nghiệm thú vị và ông hài lòng khi các học viên của mình đã nắm chắc nội dung, diễn biến tố tụng và xử lý tốt các tình huống. 

Ngay sau buổi diễn án online, Học viên Nguyễn Phương Linh, người trong vai Luật sư bảo vệ người khởi kiện bày tỏ trên trang cá nhân: “Cảm ơn các thầy cô đã tâm huyết, dạy không biết mệt mỏi suốt từ 8 giờ sáng đến gần 1 giờ trưa. Cảm ơn cả lớp dù mệt nhưng vẫn theo “phiên tòa” đến cùng. Cảm ơn những người đã giúp đỡ mình, cho mình cơ hội được phát triển”. Còn Học viên Nguyễn Thị Thoan, người đóng vai Luật sư bảo vệ người bị kiện thổ lộ: “Qua buổi diễn án này mình đã học được rất nhiều thứ”. 

Theo PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng, Trưởng khoa Đào tạo Luật sư, Học viện Tư pháp, hoạt động diễn án online là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và được thí điểm tại Khoa Đào tạo Luật sư, sau đó sẽ áp dụng cho các khoa khác trong Học viện. 

Từ góc độ đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng cho biết, mỗi phương thức diễn án tập trung hay online đều phải đảm bảo được yêu cầu theo chương trình đào tạo và được thẩm định của các cơ quan chuyên môn. Đối với hoạt động giảng dạy trên nền tảng trực tuyến thì các chương trình vẫn phải đáp ứng yêu cầu về nội dung, hình thức và được các khoa chuyên môn hướng dẫn cho các lớp, các khóa.

“Về mặt hình thức, thì môi trường trực tuyến có những đặc thù riêng. Chính vì thế, chúng tôi phải tạo ra giao diện để học viên có thể thấy từng hình ảnh, ghi danh của mình, phải đảm bảo yêu cầu về đường truyền để học viên có thể quan sát thông qua trang phục các vai diễn, đồng thời thiết kế về mặt kỹ thuật để học viên gửi bài thu hoạch, bài nhận xét diễn án qua Room theo mốc thời gian để đánh giá kết quả học tập của học viên”, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng chia sẻ. 

TÙY PHONG

Công chức, viên chức Bộ Nội vụ không được mặc quần bò nơi công sở

Lê Minh Hoàng