Dự Diễn đàn có ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; ông Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; ông Nguyễn Lê Huy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, cùng lãnh đạo các ban, ngành VCCI và 4 địa phương.
Trục cao tốc phía Đông (VEHEC) được hình thành từ thỏa thuận giữa VCCI và 4 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên trên cơ sở trục cao tốc liên vùng từ Thủ đô Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đây là sáng kiến trong thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Kết nối có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hướng tới xây dựng mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo không gian phát triển mới, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng khu vực phía Bắc.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công khẳng định: Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh vai trò của Đồng bằng sông Hồng là động lực phát triển kinh tế quốc gia, ưu tiên hiện đại hóa công nghiệp, mở rộng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu xây dựng các cụm công nghiệp tiên tiến, mạng lưới logistics hiện đại và quản lý tài nguyên bền vững nhằm tạo nên một nền kinh tế bền vững và cạnh tranh toàn cầu.
VEHEC là động lực kinh tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng GRDP toàn khu vực trong những năm vừa qua đạt mức cao, dao động từ 9% đến 12% mỗi năm, cao hơn mức GRDP trung bình của 63 tỉnh, thành phố. Năm 2023, Hải Phòng đã thu hút khoảng 3,5 tỷ USD vốn FDI, Quảng Ninh đã thu hút hơn 3,1 tỷ USD FDI, đưa 2 tỉnh, thành này trở thành những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại 4 địa phương VEHEC là 52.000, chiếm gần 6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu Khai mạc Diễn đàn
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam mong muốn, trước sự phát triển và biến đổi không ngừng của nền kinh tế toàn cầu, sản xuất thông minh đã trở thành một động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là mắt xích sản xuất mới tại châu Á đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu. Để đón đầu cơ hội mới, khẳng định vị thế sở hữu nhiều dự án sản xuất thông minh, thu hút các tập đoàn lớn trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn, hội nghị dành thời gian phân tích, đánh giá, đưa ra các chỉ dẫn, khuyến cáo để góp phần thúc đẩy hoàn thiện và phát triển chuỗi cung ứng sản xuất thông minh tại Việt Nam nói chung cũng như VEHEC nói riêng.
Cùng với đó, củng cố kết nối vùng trong khu vực, khẳng định vị thế 4 địa phương trong VEHEC như một khu vực kinh tế chiến lược, phù hợp với các chỉ đạo quốc gia và khát vọng khu vực nhằm thúc đẩy thịnh vượng lâu dài và toàn diện. Từ đó, tạo nên kết nối vùng trong khu vực, tạo thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển và hình thành chuỗi sản xuất thông minh, thúc đẩy tăng trưởng.

Quang cảnh Diễn đàn
Tại Diễn đàn, lần đầu tiên VCCI công bố Báo cáo kinh tế tiểu vùng trục cao tốc phía Đông, cung cấp phân tích toàn diện về tình hình kinh tế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng và các nỗ lực phát triển bền vững cũng như tầm quan trọng chiến lược của khu vực 4 tỉnh VEHEC trong chuỗi liên kết cung ứng sản xuất thông minh của cả nước. Đồng thời, tiến hành thảo luận về tương lai chuỗi cung ứng sản xuất thông minh với sự đóng góp ý kiến, xây dựng từ các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong VEHEC.
Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về các giải pháp thúc đẩy chuỗi cung ứng sản xuất thông minh, mở cơ hội để các khu công nghiệp kết nối một cách hiệu quả với chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu, xây dựng và củng cố mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và cùng có lợi, góp phần thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh.