Gần 100 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh tham dự Lớp bồi dưỡng.
Lớp bồi dưỡng do Luật sư Lê Cao Long, Uỷ viên Ban thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh truyền đạt với hai chuyên đề là Bộ quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Trao đổi quản trị và điều hành tổ chức hành nghề luật sư.
Luật sư Lê Cao Long, Uỷ viên Ban thường vụ Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn Luật sư Việt Nam), Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh chia sẻ tại Lớp bồi dưỡng.
Dưới sự dẫn dắt, gợi ý của Luật sư Lê Cao Long, các Luật sư đại diện các tổ chức hành nghề luật sư cùng thảo luận về nội dung “Quản trị và điều hành tổ chức hành nghề luật sư” gồm 5 vấn đề chính là: Quản trị tài nguyên; phát triển kỹ năng; đào tạo và phát triển; quản trị rủi ro và điều chỉnh chiến lược.
Bên cạnh đó, để thực hiện sứ mệnh của mình, một Luật sư cần thực hiện nhiều bước và tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp bao gồm 7 vấn đề: Tạo dựng uy tín, tuân thủ pháp luật, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích, giữ bí mật thông tin, nâng cao kiến thức và kỹ năng, đóng góp cho xã hội, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần phát triển kinh tế, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Mỗi Luật sư phải lấy Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp này làm khuôn mẫu cho sự tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.
Kết thúc buổi tập huấn, Ban chủ nhiệm Đoàn đã cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho gần 100 Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh.
VŨ HỮU QUÝ