/ Tích hợp văn bản mới
/ Điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

Điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025

27/02/2025 17:54 |1 tháng trước

(LSVN) - Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Một trong những điểm đáng chú ý tại Luật này là quy định về điều kiện sáp nhập đơn vị hành chính.

Theo đó tại khoản 2 Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 quy định về điều kiện phải bảo đảm khi thành lập, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính gồm: 

Thứ nhất, phù hợp quy hoạch có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Thứ hai, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;

Thứ ba, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

Thứ tư, bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

Thứ năm, phải căn cứ vào tiêu chuẩn của đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều luật này cũng nêu rõ việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong trường hợp sau đây:

- Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương hoặc của quốc gia;

- Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.

Ngoài ra, việc tổ chức đơn vị hành chính được thực hiện theo các nguyên tắc:

- Tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt, liên tục của quản lý nhà nước;

- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa và yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của từng địa phương;

- Phù hợp với năng lực quản lý của bộ máy chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số; bảo đảm các công việc, thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp và xã hội được tiếp nhận, giải quyết kịp thời, thuận lợi;

- Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

 

PHƯƠNG THẢO (t/h)
LSVN