/ Dọc đường tố tụng
/ Dính án vì hồ sơ vay tiền giả, một nhân viên ngân hàng kêu cứu vì bản án quá nặng

Dính án vì hồ sơ vay tiền giả, một nhân viên ngân hàng kêu cứu vì bản án quá nặng

28/05/2021 03:24 |

(LSVN) - Do nhận hồ sơ của nhóm lừa đảo thế chấp tài sản để vay ngân hàng mà không phân công rõ ràng trong quy trình cho vay của Ngân hàng, một nhân viên ngân hàng có công việc hướng dẫn thủ tục đã bị xử 5 năm tù giam. Cho rằng án phạt quá nặng, người này đã làm đơn kêu cứu…

Vướng lao lý vì chủ quan trong tiếp nhận hồ sơ

Theo hồ sơ vụ việc, Đào Minh Tịnh (sinh 1987, ngụ quận 2, TP. HCM) là nhân viên hỗ trợ tín dụng tại ngân hàng VPBank phòng giao dịch quận 10 từ tháng 6/2011. Tịnh cho biết, nhiệm vụ được phân công tại đây là phụ trách tiếp nhận hồ sơ tín dụng của phòng giao dịch Nguyễn Thiện Thuật chuyển đến. 

Tháng 4/2012, Tịnh được cấp trên giới thiệu khách hàng từ phòng giao dịch Nguyễn Thiện Thuật qua làm hồ sơ vay tiền. Nhóm 3 người này là Nguyễn Hữu Vinh, Trương Văn Đê, Nguyễn Thị Sót đã cùng mạo danh và giả chữ ký của người khác để đứng hồ sơ vay tiền. Đồng thời, lấy tài sản không phải của mình để làm thủ tục thế chấp vay 4 tỉ đồng. Sau khi chủ tài sản phát hiện đã báo cơ quan điều tra.

Tại Bản kết luận điều tra vụ án số 89-25, ngày 25/11/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM kết luận: Đào Minh Tịnh không thực hiện kiểm tra đối chiếu dẫn đến đề xuất tiếp nhận tài sản thế chấp không đúng chủ sở hữu. Tuy nhiên, những sai sót trên không phải nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả, đã tích cực cung cấp tài liệu về tội phạm cho cơ quan cảnh sát điều tra làm sáng tỏ vụ án… Cơ quan cảnh sát điều tra không xem xét xử lý hình sự đối với Đào Minh Tịnh.

Tuy nhiên, đến năm 2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. HCM ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án, đề nghị truy tố Đào Minh Tịnh về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự. Tại các phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm Tòa tuyên án các bị cao Nguyễn Hữu Vinh, Trương Văn Đê, Nguyễn Thị Sót 7 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đào Minh Tịnh cũng bị tuyên án 7 năm tù giam. 

Nhận thấy bản án quá nặng, Tịnh đã làm đơn kháng cáo và kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Tịnh cho rằng, khi mình tiếp nhận hồ sơ vay vốn của nhóm đối tượng trên từ phòng giao dịch Nguyễn Thiện Thuật chuyển đến thì hồ sơ này nhân viên của phòng giao dịch Nguyễn Thiện Thuật đã tiếp xúc khách hàng, thực hiện xác minh thông tin khách hàng từ giấy tờ tùy thân cho đến các hồ sơ liên quan để làm thủ tục vay vốn… Do tin tưởng vào việc đối chiếu của nhân viên tín dụng phòng giao dịch Nguyễn Thiện Thuật, tin vào việc kiểm tra đối chiếu về giấy tờ nhân thân của công chứng viên nên Tịnh đã chủ quan nhận hồ sơ mà không phát hiện ra các đối tượng đã mạo danh chủ sở hữu tài sản để vay tiền.

Việc Tịnh không được tiếp xúc với khách hàng trước, không có thẩm quyền được xác minh để định giá, cũng không có bút tích gì của mình trong hồ sơ vay tại các bộ phận chuyên môn của Ngân hàng nên bị xử mức án 7 năm tù giam là quá cao. Vụ án sau đó được Tòa án nhân dân tối cao xét xử lại. 

Vai trò cấp dưới lại cao hơn cấp trên?

Trong quyết định số 08/2019/HS-GĐT ngày 15/10/2019 của Tòa án nhân dân tối cao có phần nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều đánh giá không đúng vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng như việc phân hóa trách nhiệm hình sự của các bị cáo. Trong đó việc Đào Minh Tịnh và Nguyễn Trọng Phương (cấp trên của Tịnh bị xử 6 năm tù giam) bị xử phạt bằng với các bị cáo “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là không công bằng. Hơn nữa, Tịnh chỉ là nhân viên quản lý, hỗ trợ tín dụng, quá trình thẩm định, kiểm tra tính hợp pháp của hồ sơ Tịnh chịu sự điều hành, chỉ đạo của Nguyễn Trọng Phương – Phó Giám đốc phòng giao dịch quận 10 và là lãnh đạo được phân công quản lý trực tiếp Tịnh nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đánh giá vai trò của Tịnh cao hơn Phương là không đúng. Mặt khác, những sai sót trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của khách hàng, kiểm tra đối chiếu giấy tờ tùy thân và giấy tờ chủ sở hữu tài sản với người vay của Tịnh, Phương không phải là nguyên nhân trực tiếp làm ngân hàng VPBank bị thiệt hại 4 tỉ đồng… 

Tòa án tối cao quyết định Hủy bản án hình sự phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM về phần trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Trọng Phương và Đào Minh Tịnh. Đồng thời, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM để xét xử phúc thẩm lại.

Tại phiên xét xử ngày 26/3/2021, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM tuyên Nguyễn Trọng Phương 3 năm tù giam, Đào Minh Tịnh 5 năm tù giam về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. 

Đào Minh Tịnh cùng người nhà hiện đã tiếp tục làm đơn kháng cáo vì cho rằng bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM không thỏa đáng, không để ý đến nhận định của Tòa án nhân dân tối cao mà vẫn đánh giá vai trò của Tịnh cao hơn của Phương. 

Hình phạt chưa phù hợp

Nhận định về vụ án này, Luật sư Trần Đức Phượng – Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, công việc và hành vi của bị cáo Đào Minh Tịnh là người hướng dẫn khách hàng trong giao dịch với ngân hàng. Cụ thể là tiếp xúc với khách hàng theo sự phân công của cấp trên, không phải là người tiếp xúc ban đầu, là người hướng dẫn khách hàng đến các bộ phận độc lập của Ngân hàng để thực hiện các quy trình giao dịch, bộ phận thẩm định phương án vay vốn, bộ phận thẩm định tài sản, bộ phận giao dịch ký kết hợp đồng tín dụng,... 

Tại Phòng công chứng, bị cáo Đào Minh Tịnh là đại diện bên ngân hàng để nộp các giấy tờ như: hợp đồng tín dụng đã ký kết, hợp đồng thế chấp đã được ngân hàng ký kết và các giấy tờ liên quan đến giấy phép hoạt động của Ngân hàng, thẩm quyền ký kết hợp đồng thế chấp của ngân hàng. Công việc và hành vi của bị cáo Đào Minh Tịnh là chuẩn bị các hồ sơ của phía Ngân hàng (Bên cho vay) tại Phòng công chứng để công chứng giao dịch. 

Đối với các giấy tờ (Bên vay) là một bên giao dịch nên phải tự cung cấp cho công chứng viên, bị cáo Đào Minh Tịnh không có thẩm quyền và nội dung công việc kiểm tra giấy tờ của Bên vay. 

Do đó, việc xác định hành vi, vai trò, trách nhiệm của bị cáo Đào Minh Tịnh là không đúng với công việc và nhiệm vụ của bị cáo Đào Minh Tịnh được gắn liền với quy trình độc lập của Ngân hàng, không phải việc xác định trách nhiệm dựa vào việc bị Đào Minh Tịnh tiếp xúc nhiều hay tiếp xúc ít với Bên vay là không phù hợp với công việc, quy trình độc lập từng bộ phận của Ngân hàng.

Từ việc xác định sai đó, nên việc áp dụng hình phạt bị cáo Đào Minh Tịnh (5 năm) là chưa phù hợp với công việc, trách nhiệm, chức vụ của bị cáo Đào Minh Tịnh trong quy trình cho vay của Ngân hàng và việc công chứng hợp đồng thế chấp.

PV

Vụ kiện Công ty Kim Anh: Không có căn cứ đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Lê Minh Hoàng