Theo đó, Đoàn Công tác gồm 12 người do Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của một số Chủ nhiệm của các Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Vĩnh Long, Quảng Bình, Tuyên Quang, Hà Giang; Chủ nhiệm Cơ quan truyền thông, đại diện Văn phòng Liên đoàn và Cơ quan đại diện tại TP. HCM.
Có thể nói rằng, kể từ khi được thành lập đã hơn 13 năm đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam có mối quan hệ hợp tác cả về chiều sâu và chiều rộng với tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JBFA). Hàng năm, Dự án JICA tổ chức và đài thọ toàn bộ các chi phí liên quan cho Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam để tham dự các khóa đào tạo với các chủ đề khác nhau trong khuôn khổ Dự án như “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật tới năm 2020” và hiện nay là “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt Nam”.
Vào chiều 25/6/2023, Đoàn Công tác hạ cánh xuống sân bay Narita lúc 14h30 giờ địa phương, với sự hướng dẫn và đón tiếp của nhân viên JICA, Đoàn di chuyển vào trung tâm Tokyo bằng xe bus. Mọi công tác hậu cần cho Đoàn Công tác được phía Dự án chuẩn bị kỹ càng, các thành viên trong đoàn được sắp xếp ở tại trụ sở của JICA tại địa chỉ 2-49-5, Nishihara, Shibuya-ku, Tokyo.
Thăm và làm việc tại Liên đoàn Luật sư Nhật Bản – Tokyo
Buổi chiều 26/6/2023, đoàn di chuyển bằng xe bus đến thăm và làm việc tại Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (Nichibenren), trụ sở tại địa chỉ 1 – 3 Kasumigaseki 1-Chome Chiyoda-Ku, Tokyo 100-0013, nằm trong khu vực trung tâm hành chính quan trọng của Nhật Bản, xung quanh là Tòa án địa phương, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát, Bộ Ngoại giao, Tổng Cục cảnh sát Tokyo,…. và gần Hoàng Cung Nhật Bản.
Đoàn Công tác tại trụ sở Liên đoàn Luật sư Nhật Bản – Tokyo.
Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JBFA) là pháp nhân được thành lập năm 1949 theo Luật Luật sư, với 02 chức năng chính. Thứ nhất là nhằm mục đích thực hiện các công việc liên quan đến Luật sư, các hướng dẫn của Công ty luật và Đoàn Luật sư địa phương nhằm mục đích cải thiện và thúc đẩy nghề luật sư và hoạt động nghề tại các công ty luật. Thứ hai là duy trì phẩm chất đạo đức hành nghề luật sư theo sứ mệnh và nhiệm vụ của Luật sư, các Công ty luật (Khoản 2 Điều 45 Luật Luật sư, Điều 3 Quy tắc Liên đoàn Luật sư Nhật bản). Tuy nhiên, đối với việc xem xét và tiến hành kỷ luật Luật sư vi phạm là hoạt động của các Đoàn Luật sư địa phương, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản gần như không can thiệp vào công việc này.
Liên đoàn Luật sư Nhật Bản có 52 Đoàn Luật sư địa phương với số lượng Luật sư đăng ký thành viên là 44,961 người (có 8.914 Luật sư nữ chiếm 19.8%) với 1,599 công ty luật. Để được hành nghề Luật sư tại Nhật Bản, Luật sư vừa phải là thành viên của Liên đoàn Luật sư Nhật bản (Điều 47 Luật Luật sư), đồng thời vừa phải là thành viên của một Đoàn Luật sư khu vực (thành viên bắt buộc).
Các cơ quan quyết định của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản gồm: Đại hội đồng, Ban Đại diện, Ban Giám đốc và Ban Giám đốc điều hành; các lãnh đạo của Liên đoàn Luật sư Nhật Bản gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (15 người), Giám đốc điều hành (75 người). Về cơ cấu hành chính gồm bộ phận Văn phòng dưới sự quản lý của Trưởng Văn phòng và 7 Phó Trưởng Văn phòng, Văn phòng có khoảng 200 người (bao gồm cả nhân viên chính thức và bán thời gian) có khoảng 100 Luật sư làm việc tại các phòng chuyên trách, thực hiện những công việc chung của Liên đoàn.
Về ngân sách hoạt động, nhằm để thực hiện quyền tự chủ của Luật sư, Liên đoàn Luật sư Nhật bản không nhận hỗ trợ tài chính từ Chính Phủ và hoạt động dựa trên phí thành viên thu từ các thành viên (Luật sư).
Về công tác truyền thông, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản còn xuất bản tạp chí của Liên đoàn: “Tự do và chính nghĩa”, “Báo Liên đoàn Luật sư Nhật bản” đều được phát hành hàng tháng và trang web: https://www.nichibenren.or.jp/en.html đăng các bài báo và thông tin cập nhật thường xuyên về các chính sách pháp luật, tin tức về Luật sư cũng như hoạt động của các công ty luật.
Cũng tại buổi làm việc, Đoàn Công tác được hân hạnh gặp gỡ và làm việc với Luật sư Motoji KOBAYASHI, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và Luật sư Jinichi MATSUDA, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Qua buổi làm việc, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản đánh giá mối quan hệ của hai nước như tình anh em và đồng nghiệp Luật sư hai nước cũng vậy, đều mong muốn hướng đến việc phụng sự công lý, hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, bảo vệ quyền con người và thượng tôn pháp luật.
Luật sư Motoji Kobayashi, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Đoàn Công tác đã cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chủ tịch JBFA, đồng thời giới thiệu những kết quả trong tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam sau 10 năm thành lập. Qua chặng đường 10 năm kể từ ngày Bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Nhật Bản và Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ năm 2013, Liên đoàn Luật sư hai nước đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác, trong đó đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và về đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư, tạo cơ hội cho đội ngũ Luật sư hai nước giao lưu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, từ đó góp phần cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho khách hàng và cộng đồng doanh nghiệp.
Các hoạt động của Liên đoàn đều nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cơ quan, đối tác phía Nhật Bản như Đại sứ quán, Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, JICA, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cùng các hãng luật của Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Đào Ngọc Chuyền chia sẻ về thành tựu trong quan hệ hợp tác giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tiếp thu, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu từ Liên đoàn Luật sư Nhật Bản về cách thức tổ chức và hoạt động một cách có hiệu quả thông qua các chuyến học tập, công tác của Luật sư Việt Nam tại Nhật Bản. Đặc biệt, đối với Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tham khảo kinh nghiệm từ một số đối tác quốc tế nhưng sự ảnh hưởng và tiếp thu từ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư tại Nhật Bản là đáng kể nhất.
Năm 2023 là dịp đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam – Nhật Bản, hy vọng rằng mối quan hệ tốt đẹp giữa hiệp hội Luật sư của cả hai nước sẽ tiếp tục được phát huy với mong muốn sẽ đưa giới Luật sư Nhật Bản và Việt Nam cùng học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp lẫn nhau, để từ đó, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm trong việc hỗ trợ và cung cấp dịch vụ pháp lý cho người Việt Nam đang lao động, học tập tại Nhật Bản và phối hợp để tư vấn, hỗ trợ cho các nhà đầu tư của Nhật Bản có nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Cũng qua buổi gặp gỡ và làm việc với Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Trưởng đoàn đã gửi lời chào và lời chúc sức khỏe của Chủ tịch Đỗ Ngọc Thịnh tới Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, chúc các Luật sư đồng nghiệp Nhật Bản sức khỏe và thành công.
Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam tặng tranh kỷ niệm Liên đoàn Luật sư Nhật Bản.
Kết thúc buổi làm việc tại Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, thay mặt Đoàn Công tác, Luật sư Đào Ngọc Chuyền trao tặng một bức tranh là món quà kỷ niệm từ Liên đoàn luật sư Việt Nam đến Liên đoàn Luật sư Nhật Bản. Đoàn kết thúc buổi làm việc lúc 17 giờ và về lại trụ sở JICA, chuẩn bị cho các ngày tham gia học tập sắp tới.
Luật sư VŨ ĐỨC THIỆN
Ủy viên Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP.HCM
Thành viên Đoàn Công tác