/ Nghề Luật sư
/ Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản

Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản

10/07/2023 14:53 |

(LSVN) – Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật tại Việt nam” do tổ chức JICA tài trợ, Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam có chuyến thăm và tập huấn 02 ngày 28, 29/6/2023 tại Đoàn Luật sư tỉnh Aichi, Nagoya.

Tiếp tục chuyến công tác, ngày 28, 29/6/2023, Đoàn Công tác Liên đoàn Luật sư Việt Nam (VBF) có chuyến thăm và tập huấn tại Đoàn Luật sư tỉnh Aichi. Đoàn Luật sư tỉnh Aichi có lịch sử lâu đời, được thành lập vào năm 1880 với tư cách là Tổ chức Người biện hộ theo Quy chế Người biện hộ (“Người biện hộ” là tên gọi Luật sư vào thời kỳ đầu Minh Trị). Đến năm 1893, Đoàn Luật sư được thành lập theo quy định của Luật Luật sư (cũ) gọi là “Đoàn Luật sư Nagoya” nhưng chịu sự giám sát của công tố viên trưởng trong khu vực, cho đến năm 1933 chịu sự giám sát của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ở mỗi khu vực thuộc thẩm quyền của Tòa án khu vực.

Đoàn Luật sư tỉnh Aichi chính thức được công nhận sự tự trị theo Luật Luật sư 1949 (mới) cùng với việc thành lập Liên đoàn Luật sư Nhật Bản (JFBA). Năm 1979, Hội quán Luật sư được xây dựng hoàn thành có trụ sở chính tại thành phố Nagoya, thuộc phạm vi cơ quan Tòa án khu vực Nagoya, địa chỉ: 1-4-2, Sannomaru, Naka-ku, Nagoya cho đến ngày nay. Đoàn Luật sư Nagoya chính thức được đổi tên thành Đoàn Luật sư tỉnh Aichi (Đoàn Luật sư) như hiện tại vào năm 2005. Đoàn Luật sư có số lượng Luật sư thành viên là 2.102 Luật sư (tính đến thời điểm 30/4/2023), trong đó thành viên thông thường có 2.097 Luật sư (1.676 nam và 421 nữ Luật sư), thành viên quốc tế đặc biệt có 5 Luật sư.

Đoàn Luật sư có 4 chi nhánh là: (1) Nishi Mikawa, (2) Higashi Mikawa, (3) Ichinomiya, (4) Handa. Hoạt động với cơ cấu gồm: Hội đồng (cơ quan đưa ra những quyết định của Đoàn Luật sư); Ban Quản trị (được tổ chức bởi 1 Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch hỗ trợ công việc cho Chủ tịch); Ủy ban Thường vụ (thảo luận về những công việc quan trọng như các nội dung trong quyết định của Hội đồng) và khoảng hơn 60 Ủy ban trực thuộc. Văn phòng Đoàn Luật sư có số lượng nhân viên khoảng 70 người. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ nguồn thu phí thành viên Luật sư.

Các hoạt động chính của Đoàn Luật sư gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, biện hộ trong vụ án hình sự, bảo vệ môi trường và hoạt động truyền thông. Cùng với đó là các hoạt động bảo vệ quyền con người như: Bảo vệ - hỗ trợ về quyền con người, quyền của trẻ em, người tiêu dùng, nạn nhân bị bạo lực, người bị hại và người cao tuổi – người khuyết tật.

Cũng tại buổi làm việc, Đoàn Công tác hân hạnh có được sự đón tiếp từ phía Luật sư JUN Ogawa, Phó Chủ tịch JFBA, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Aichi. Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Aichi bày tỏ sự mong chờ từng giây từng phút để được gặp và tiếp Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ông cho biết năm 2012, ông cũng đã có dịp du lịch tại Việt Nam cùng nhiều Luật sư đồng nghiệp Nhật Bản và cảm nhận được Việt Nam là đất nước có nên văn hóa đặc sắc, ẩm thực đa dạng, là một đất nước đầy năng lượng. Việt Nam hiện nay đã tự do hóa về mậu dịch, kinh doanh thương mại phát triển, nhất là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua ở Đông Nam Á là hết rất kỳ diệu, ông hết sức kính trọng đối với đất nước và con người Việt Nam. Trong bối cảnh phát triển như thế, ông hy vọng đội ngũ Luật sư Việt Nam cũng phải tích cực hơn nữa để đóng góp và cống hiến cho sự phát triển đó, phải làm sao để chuyên môn cũng như địa vị của đội ngũ Luật sư được xã hội công nhận. Hy vọng qua chuyến tập huấn và thăm Đoàn Luật sư tỉnh Aichi, Đoàn Công tác VBF có thể thoải mái trao đổi và trong khả năng của mình thì Đoàn Luật sư, các chuyên gia tỉnh Aichi sẽ cố gắng hết sức giải đáp nhằm đáp ứng được sự quan tâm của phía đoàn.

Qua chuyến thăm và tập huấn của Đoàn Công tác, ông cũng gửi lời hỏi thăm của Chủ tịch JFBA đến Đoàn Công tác và mong rằng chuyến đi này sẽ đem lại nhiều hữu ích cho các thành viên Đoàn Công tác VBF. 

Luật sư JUN Ogawa, Phó Chủ tịch JFBA, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Aichi.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng Đoàn công tác cảm ơn những tình cảm mà Đoàn Luật sư tỉnh Aichi đã dành cho Đoàn công tác. Về mặt địa lý, Nhật Bản và Việt Nam cách nhau hơn 4000km nhưng cảm giác như rất gần, như anh em trong một gia đình. Qua những chia sẻ cũng như tình cảm mà Luật sư JUN Ogawa, Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Aichi đã truyền tải, phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng hết sức coi trọng chuyến công tác này, VBF đã có những công tác chuẩn bị từ cách đây một tháng, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam hết sức quan tâm và có nhiều dặn dò đối với Đoàn. Chủ tịch VBF cũng gửi lời hỏi thăm sức khỏe và lời chào đến Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nhật Bản, Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Aichi.

Đoàn cũng hết sức vui mừng và cảm ơn vì sự chuẩn bị chu đáo của Luật sư KAJITA Susumu, Phó chủ nhiệm phụ trách nhân sự, Luật sư BANNO Kimio giới thiệu về lịch sử hình thành, công tác tổ chức, hoạt động Đoàn Luật sư hiện nay; được hướng dẫn tìm hiểu về hoạt động của văn phòng, các ủy ban, nơi làm việc. Bên cạnh đó, các Luật sư Việt Nam và Nhật Bản còn dành nhiều thời gian để trao đổi, thông tin cho nhau về những vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn và kinh nghiệm trong hoạt động nghề nghiệp. Cũng như Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh Aichi đã nói, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đặt trọng tâm phát triển đội ngũ Luật sư, vào thời điểm 2012 là khoảng hơn 9.000 Luật sư và bây giờ VBF đã có hơn 19.000 Luật sư, Luật sư Việt Nam không những tăng về số lượng mà còn về chất lượng để đảm bảo đội ngũ Luật sư có một vị thế trong xã hội và được xã hội thật sự tôn trọng.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt nam. Nhìn lại quá trình 30 năm đổi mới và phát triển tại Việt nam, phát triển nền kinh tế thị trường và tự do mậu dịch. Trong bối cảnh đổi mới và phát triển như vậy, số lượng công việc của Luật sư là rất lớn, Luật sư Việt Nam đã cung cấp được rất nhiều dịch vụ pháp lý cho các Doanh nghiệp, trong đó có rất nhiều Doanh nghiệp đến từ Nhật Bản. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng hy vọng trong điều kiện như thế, Luật sư hai nước sẽ tiếp tục hợp tác cung cấp nhiều dịch vụ pháp lý tốt cho doanh nghiệp, sẽ có ngày càng nhiều các doanh nghiệp từ Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam hơn nữa.

Liên đoàn Luật sư Việt Nam luôn mong quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ phát triển. Liên đoàn Luật sư Việt Nam hy vọng trong một dịp gần nhất được đón tiếp Chủ tịch Đoàn Luật sư và Luật sư tỉnh Aichi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, thay cho lời cảm ơn, chúc tất cả quý Lãnh đạo và Luật sư đồng nghiệp thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Aichi hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp.

Đoàn Luật sư tỉnh Aichi tặng tranh kỷ niệm cho Đoàn Công tác VBF.

Kết thúc buổi làm việc, Đoàn Công tác dùng bữa cơm thân mật và giao lưu với các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Aichi, buổi giao lưu được diễn ra trong không khí thân tình và ấp áp.

Đoàn Công tác VBF giao lưu với các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Aichi.

Tham gia tập huấn chuyên đề “Chuyển đổi kỹ thuật số trong quản lý thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Aichi”

Ngày 29/6/2023, Đoàn Công tác tiếp tục buổi tập huấn tại Đoàn Luật sư tỉnh Aichi. Tại buổi tập huấn, Đoàn được chuyên gia JUN Kurachi, Phụ trách kỹ thuật và chuyển đổi số tại Đoàn Luật sư trình bày nội dung “Chuyển đổi kỹ thuật số trong quản lý thành viên của Đoàn Luật sư tỉnh Aichi”. Chuyên gia Kurachi trình bày khái quát về hệ thống quản lý Luật sư thành viên, hệ thống tra cứu thông tin chi tiết các thành viên, thông tin khen thưởng cũng như thông tin khen thưởng kỷ luật và phân công trực tư vấn luật tại Đoàn Luật sư.

Đặc biệt, Đoàn đã áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số trong việc tra cứu và thông tin phí thành viên, thu phí thành viên tự động thông qua hệ thống. Ngoài những kết quả đã đạt được, chuyên gia cũng chia sẻ thêm về những khó khăn khi vận hành, ứng dụng chuyển đổi số đối với công tác quản lý vẫn còn nhiều điểm bất cập vì phải cần có sự kiểm tra, quản lý của con người, cụ thể là phải có nhân viên IT làm công tác chuyên trách phụ trách làm cầu nối tiếp thu các ý kiến phản hồi từ nhân viên văn phòng của Đoàn (những người trực tiếp sử dụng phần mềm) sau đó tiến hành trao đổi với các đơn vị đầu mối thiết kế (các công ty công nghệ bên ngoài) để sửa các lỗi và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong việc quản lý Luật sư của Đoàn.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Đoàn Công tác trao đổi với chuyên gia.

Cũng qua buổi tập huấn, chuyên gia của Đoàn Luật sư tỉnh Aichi cũng nhận được nhiều câu hỏi từ phía Đoàn VBF với 7 thành viên là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư các tỉnh/thành phố, các thành viên Đoàn Công tác đặt các câu hỏi liên quan đến chi phí để thực hiện cũng như vận hành và áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số, cách thức thông báo nhắc nhở Luật sư đóng phí thành viên qua hệ thống của Đoàn Luật sư và nhận được các câu trả lời trọng tâm, các thành viên Đoàn công tác hết sức hài lòng vì đã tiếp thu được nhiều kiến thức quý báu trong công tác ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số vào công tác quản lý thành viên Đoàn Luật sư, qua những kiến thức đó sẽ chọn lọc để áp dụng phương pháp phù hợp cho từng địa phương của mình.

Kết thúc buổi tập huấn, Đoàn Công tác chuẩn bị theo xe bus để di chuyển ra ga Nagoya trở về Tokyo thì bất ngờ được Luật sư JUN Ogawa, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Aichi đích thân ra chào chia tay từng thành viên, Luật sư Chủ nhiệm Đoàn chúc Đoàn Công tác thật nhiều sức khỏe, mong Đoàn có thật nhiều kỷ niệm đẹp khi xuống thăm và tập huấn tại Đoàn Luật sư.

Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Trưởng Đoàn Công tác cũng cảm ơn tấm thịnh tình mà Luật sư JUN Ogawa, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Aichi đã dành cho Đoàn và mong muốn được đón tiếp Luật sư tại Hà Nội, Việt Nam trong thời gian sắp tới. Xe bus lăn bánh trở Đoàn Công tác ra ga Nagoya, kết thúc chuyến tập huấn, thăm và làm việc tại Đoàn Luật sư tỉnh Aichi.

Luật sư VŨ ĐỨC THIỆN

Ủy viên Cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. HCM

Đoàn Công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham dự khóa đào tạo tại Nhật Bản từ ngày 25/6 đến 04/7/2023

Bùi Thị Thanh Loan