/ Nghề Luật sư
/ Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư

Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư

30/05/2024 15:22 |

(LSVN) - Ngày 29/5/2024, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư.

Đối với dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Luật sư (thay thế)đề nghị bổ sung quy định về thời hạn có giá trị của chứng chỉ hành nghề Luật sư là 5 năm hoặc 10 năm. Quy định này vừa bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế đều có quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề Luật sư và bảo đảm công cụ quản lý nhà nước, sàng lọc đội ngũ Luật sư bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp Luật sư.

Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo góp ý bổ sung Thông tư 10/2012/TT-BTP về hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư.

Theo văn bản Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho biết, các nước Nhật, Anh, Hàn Quốc, Đức... đều không có quy định này. Quy định đã được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến khi soạn thảo Pháp lệnh Luật sư năm 2001 nhưng đã không được chấp nhận. Việc sàng lọc đội ngũ Luật sư đã được Luật Luật sư hiện hành và các văn bản liên quan quy định cụ thể trong việc xử lý kỷ luật Luật sư, các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề Luật sư... Ngoài ra, việc bổ sung quy định thời hạn hiệu lực của chứng chỉ hành nghề Luật sư sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy đối với hoạt động hành nghề Luật sư, đối với cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng, đồng thời là mầm mống phát sinh tiêu cực.

Việc đề nghị bổ sung quy định chứng hành nghề Luật sư có thời hạn 05 hoặc 10 năm đã một lần không được chấp nhận vì không phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn hành nghề Luật sư.

Theo văn bản góp ý của Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh, đề cương chi tiết Luật Luật sư (thay thế) bổ sung tiêu chuẩn bản lĩnh nghề nghiệp Luật sư là trừu tượng. Bản lĩnh nghề nghiệp thể hiện trong quá trình hoạt động hành nghề Luật sư. Chưa hành nghề thì chưa đánh giá được bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư không có bản lĩnh khi hành nghề thì sẽ không thành công, không được tín nhiệm và sẽ bị đào thải. Chỉ thị và nghị quyết của Đảng chủ trương xây dựng phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng,  không yêu cầu Luật sư phải bản lĩnh nghề nghiệp.

Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh.

Về miễn, giảm đào tạo nghề Luật sư và thời gian tập sự hành nghề Luật sư,từ thực tiễn hoạt động hành nghề Luật sư, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận thấy chỉ có các chức danh thẩm phán, kiểm sát viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật và tiến sĩ luật mới được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn tập sự hành nghề Luật sư. Các chức danh khác bắt buộc phải được đào tạo nghề Luật sư và phải tập hành nghề Luật sư.

Văn bản góp ý kiến nghịchỉ có thẩm phán, kiểm sát viên, giáo sư và phó giáo sư ngành luật, tiến sĩ luật mới được miễn đào tạo nghề Luật sư và miễn tập sự hành nghề Luật sư; đối với thẩm phán và kiểm sát viên phải có thêm các điều kiện sau:Đã có thời gian công tác thẩm phán, kiểm sát viên liên tục ít nhất 5 năm (một nhiệm kỳ). Thời gian từ lúc nghi làm thẩm phán, kiểm sát viên đến lúc gia nhập Đoàn Luật sư ít nhất 02 năm (nhằm hạn chế dụng các mối quan hệ khi còn đương chức).

Đối với các chức danh khác đều phải qua đào tạo nghề Luật sư và tập sự hành nghề Luật sư. Không đặt vấn đề miễn, giảm thời gian đào tạo hoặc thời gian tập sự vì không có căn cứ, thêm nhiều thủ tục phức tạp và khó khăn trong thực hiện vì không thể xây dựng chương trình, nội dung đào tạo và tập sự riêng cho các đối tượng được miễn, giảm.

Trách nhiệm quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư, theo văn bản góp ý, tại Điều 3 Luật Luật sư hiện hành quy định hoạt động nghề nghiệp của Luật sư góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.  Với chức năng xã hội quan trọng và cao quý như vậy, Luật sư là “một trong kiềng 3 chân”, gồm Thẩm phán, Kiểm sát viên và Luật sư trong quá trình tố tụng. Vì vậy, đòi hỏi Luật sư phải tốt nghiệp cử nhân luật, phải qua quá trình đào tạo nghề bài bản, phải tập sự hành nghề và phải vượt qua các kỳ kiểm tra chặt chẽ trước khi được công nhận Luật sư chính thức. Đề nghị bổ sung thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện kiểm tra về tổ chức hoạt động của Luật sư là không phù hợp.

Luật sư Lê Hồng Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng cơ quan đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam tại TP. HCM góp ý tại hội thảo góp ý bổ sung thông tư 10/2012/TT-BTP về hướng dẫn tập sự hành nghề Luật sư.

Uỷ ban nhân dân cấp huyện sẽ lại giao cho Phòng Tư pháp thực hiện, trong khi cán bộ Phòng Tư pháp không thể đảm đương trọng trách này vì hạn chế về năng lực, trình độ và cũng không đúng thẩm quyền. Thực tế hiện nay, nhiều UBND cấp huyện còn phải nhờ Luật sư giúp đỡ, hỗ trợ về pháp luật.

Tổ chức Luật sư và Luật sư hiện đã phải chịu sự quản lý của Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Ủy ban nhân cấp tỉnh (Sở Tư pháp), nay lại thêm Uỷ ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tư pháp), đề nghị này làm hạn chế quyền và trách nhiệm tự quản của tổ chức Luật sư, không phù hợp chủ trương của Đảng và thông lệ quốc tế.

QUANG NGUYỄN

Trần Văn Duẩn