Tham dự chương trình về phía Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài có ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm, chủ trì chương trình; ông Đinh Hoàng Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra; ông Ngô Quốc Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra; bà Tạ Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra.
Đại diện các cơ quan tham dự trực tiếp: Các đơn vị của Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, đại diện lãnh đạo Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế , Vụ Thông tin Báo chí, Báo Thế giới và Việt Nam, Ban Đối ngoại kiều bào - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, một số kiều bào đang ở Việt Nam.
Về phía Đoàn Luật sư TP. Hà Nội có: Luật sư Huỳnh Phương Nam, Phó Chủ nhiệm, Trưởng ban quan hệ quốc tế; Luật sư Nguyễn Xuân San, Phó Chủ nhiệm; Luật sư Nguyễn Mai Anh, Ủy viên Ban Chủ nhiệm và các Luật sư thành viên.
Ngoài ra, còn có đông đảo đại biểu tham dự trực tuyến: Luật sư Nguyễn Trung Nam, EP Legal (điểm cầu Vương quốc Anh); các đại sứ quán, cơ quan đại diện ngoại giao và kiều bào Việt Nam tại CHLB Nga, CHLB Đức, Hungary, Slovakia, CH Séc, Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Ngoại vụ Hải Phòng, Hội đồng hương người Hải Phòng tại Matxcova, Hiệp hội doanh nhân người Việt ở nước ngoài, CLB bất động sản Việt Nam...
Sau phần phát biểu khai mạc của ông Nguyễn Mạnh Đông và phát biểu của Luật sư Huỳnh Phương Nam, Luật sư Lê Văn Khánh, đại diện cho Đoàn Luật sư TP. Hà Nội giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực ngày 01/8/2024.
Theo đó, mặc dù có khoảng 90 điều phải chờ nghị định hướng dẫn của Chính phủ và thông tư của các Bộ, tuy nhiên khoảng 160 điều luật có thể áp dụng vào ngày luật có hiệu lực.
Luật Đất đai 2024 có thay đổi cho phù hợp với Luật Cư trú, bỏ chế định chủ thể hộ gia đình; thay thế cụm từ “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” bằng “người gốc Việt Nam’; từ đó mở rộng hơn đối tượng được tham gia các giao dịch dân sự về đất đai, cũng như nâng quyền của người gốc Việt Nam ngang bằng với người Việt Nam sinh sống trong nước trong thực hiện các quyền dân sự đối với đất đai.
Luật sư Lê Văn Khánh giới thiệu những điểm mới của Luật Đất đai 2024.
Đóng góp tham luận về thủ tục mua nhà tại Vương Quốc Anh, Luật sư Nguyễn Trung Nam, Công ty EPLegal cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) Anh quốc khác nhiều với Việt Nam. Theo đó, không có hiện tượng “sốt” đất, nhà như ở Việt Nam, thủ tục mua nhà thường kéo dài khoảng 03 tháng, lãi suất áp cho người nước ngoài cao hơn nhiều so với thường trú nhân, người có quốc tịch Anh quốc nên việc đầu tư lướt sóng để tìm kiếm lợi nhuận là không khả thi, khá rủi ro trong khi phần lớn người Việt Nam đầu tư mua nhà, đất tại Anh quốc là vì mục đích cho thuê và tích lũy tài sản trong khoảng 05-07 năm sau đó mới chuyển nhượng. Luật sư Nam cũng thông tin rằng, 100% giao dịch chuyển nhượng BĐS tại Anh Quốc đều sử dụng dịch vụ của Luật sư cả bên mua và bên bán trong việc: làm việc với Ngân hàng đang nắm giữ tài sản, kiểm tra tình trạng pháp lý của BĐS, soạn thảo giao dịch đặt cọc, tư vấn về việc chứng minh nguồn tiền… Một điểm đang lưu ý là tại Anh Quốc, nhà đã mua vì mục đích cho thuê, chủ sở hữu trong mọi trường hợp tuyệt đối không được vào nhà, không được thay khoá nếu người thuê và ngân hàng cho vay không đồng ý.
Từ London, Luật sư Nguyễn Trung Nam giới thiệu về thủ tục sở hữu nhà tại Vương quốc Anh.
Sau phần tham luận, các Luật sư đã giải đáp các câu hỏi của kiều bào tại Thái Lan, tập trung vào Luật Đất đai 2024 với những nội dung cụ thể như những điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các quy định cụ thể về nhận quyền sử dụng đất tại Việt Nam hay việc kiều bào tại Hà Lan hỏi có được mua nhà ở tại Việt Nam nếu không còn quốc tịch Việt Nam.
Đại diện người Hải Phòng tại Matxcơva cũng trao đổi về băn khoăn liệu việc Luật Đất đai có hiệu lực thi hành sớm hơn (từ 01/8/2024) thay vì 01/01/2025 thì có kịp ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành không? Có đảm bảo các nội dung yêu cầu không? Các Luật sư cũng đã trao đổi lại và giải đáp các câu hỏi của các kiều bào, giúp hiểu rõ và chi tiết hơn về các quy định trong Luật Đất đai mới.
Phát biểu tại các điểm cầu, kiều bào đánh giá cao và cảm ơn tới Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã quan tâm, phổ biến các thông tin về chính sách pháp luật của Việt Nam tới kiều bào; bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng kịp thời xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về trong nước đầu tư trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài phát biểu bế mạc chương trình.
Phát biểu bế mạc chương trình, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước người Việt Nam ở nước ngoài cho biết Ủy ban mong nhận được ý kiến đóng góp của kiều bào trong quá trình triển khai Luật Đất đai 2024 nói riêng, cũng như các quy định pháp luật nói chung để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét.
Các đại biểu trực tiếp dự chương trình chụp ảnh lưu niệm.
Thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp với Đoàn Luật sư TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan giới thiệu các chính sách, pháp luật của Việt Nam cũng như của một số nước về các lĩnh vực khác mà kiều bào quan tâm hoặc liên quan trực tiếp đến cuộc sống của kiều bào trong đó có Luật Cư trú và Luật Căn cước công dân.
Luật sư NGUYỄN PHÚ THẮNG
Ban Truyền thông - Văn thể, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội