/ Hoạt động Luật sư
/ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội góp ý dự thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội góp ý dự thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Ngoài việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng, Luật sư còn đóng góp không nhỏ trong công tác góp ý dự thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.

Chiều ngày 11/05/2022 vừa qua, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo đối với 3 văn bản pháp luật: Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo lời đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc Hội TP. Hà Nội và của Toà án nhân dân Tối cao.

Tham dự Hội thảo gồm Ban Chủ nhiệm, các diện của các Ban, tổ chức Hội, Chi hội Luật gia cùng đại diện các tổ chức hành nghề Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Trưởng ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý) khai mạc Hội thảo.

Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan nhà nước cần phải lấy ý kiến, lắng nghe ý kiến của các cá nhân, tổ chức để bàn bạc, nghiên cứu tiếp thu nhằm làm cho các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Công tác tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo của Luật sư trong công cuộc xây dựng và cải cách tư pháp luôn đóng vai trò hết sức quan trọng và không thể thiếu, giúp bảo đảm tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.

Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã giao cho Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện nhiệm vụ này, đội ngũ Luật sư Việt Nam, đi đầu là các Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trên nhiều lĩnh vực.

Tham dự Hội thảo góp ý đối với 3 văn bản pháp luật, Hội nghị đã nhận được nhiều bài tham luận góp ý của các Luật sư về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Tại Hội nghị góp ý trực tiếp, nhiều ý kiến đều thống nhất về việc ban hành đối với 3 dự luật này rất cần thiết nhằm xây dựng cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ trong 3 lĩnh vực trên theo Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiêu biểu là ý kiến của Luật sư: Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Lê Đức Bính – Bí thư Đảng uỷ Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội (Trưởng ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý); Luật sư Nguyễn Xuân San – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Mai Bích Ngân, Luật sư Phạm Thị Bích Hảo; Luật sư Phan Thị Lam Hồng; Luật sư Nguyễn Đức Tùng, Luật sư Nguyễn Văn Trịnh, Luật sư Lê Thu Thuỷ và Cộng sự cùng với nhiều nhóm Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều được đánh giá là có chất lượng cao, có chiều sâu với nhiều tâm huyết, là cơ sở để cơ quan ban hành nghiên cứu và áp dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đây cũng là cơ hội để các Luật sư bày tỏ ý kiến của mình, đóng góp vào việc xây dựng nền tư pháp nước nhà.

Mỗi giai đoạn cách mạng đều đặt ra yêu cầu cụ thể, hành động cụ thể và mục tiêu mang tính nhất thời nên phong trào thi đua có những nội dung yêu cầu khác nhau, đi đôi với đó là hình thức khen cũng khác nhau. Luật sư Lê Đức Bính, Bí thư Đảng uỷ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có nhiều đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi).

Theo Luật sư Lê Đức Bính, Dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Về đối tượng áp dụng nên sửa thành đối tượng điều chỉnh, mở rộng đến đối tượng cá nhân, tập thể người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, cá nhân tập thể người nước ngoài. Về giải thích từ ngữ, Luật sư Lê Đức Bính cho rằng cần phải sửa đổi bổ sung ở một số Điều như Điều 3, Điều 32, Điều 72, Điều 81, Điều 88 và Điều 91. Ví dụ về nguyên tắc khen thưởng, theo Luật sư Lê Đức Bính, cần đưa tính kịp thời lên trước, chính xác, công khai, minh bạch, công bằng. Điều 32 Huân chương nên đưa hình thức “Huân chương dũng cảm” xuống thành hình thức “Huy chương dũng cảm” phạm vi hình thức hẹp, tức thời.

Trên cơ sở nghiên cứu nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua thực tiễn hành nghề, thực tiễn tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, Luật sư Mai Bích Ngân đã góp ý 13 điểm cần sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Luật sư Ngân nhấn mạnh: “Điều đầu tiên tôi muốn góp ý, đó chính là tên gọi của Luật. Quan điểm cá nhân của tôi thấy rằng, về tên gọi của Luật Thực hiện dân chủ cơ sở nên bỏ chữ “thực hiện”, thay vào đó thì cách thức triển khai để thực hiện nguyên tắc dân chủ cơ sở cụ thể như thế nào sẽ được quy định chi tiết trong luật cùng nhiều những nội dung khác nhau cần đề cập đến trong luật. Do đó, tên gọi của luật sẽ chỉ là "Luật Dân chủ ở cơ sở” là đầy đủ ngữ nghĩa và thể hiện được tính đặc thù. So sánh với Luật Hoà giải ở cơ sở 2013 thì Luật Hoà giải ở cơ sở cũng chỉ có tên là Luật Hoà giải chứ không phải là Luật Thực hiện hoà giải ở cơ sở mà những biện pháp, cách thức thực hiện công tác hoà giài ở cơ sở đã được quy định chi tiết, cụ thể tại các điều luật”.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cũng có nhiều đóng góp bổ ích điển hình trong việc sử dụng ngôn ngữ.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo cũng có nhiều đóng góp bổ ích điển hình trong việc sử dụng ngôn ngữ. Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, tại khoản 5, Điều 23: “Thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố”. Luật sư Hảo đề nghị xem xét cân nhắc cụm từ: “zalo, viber, facebook”, chỉ nên để: “Thông qua mạng xã hội theo quy định của pháp luật, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã, tại thôn, tổ dân phố“.

Theo phân tích ở trên, hiện nay người dân tiếp cận với rất nhiều trang mạng xã hội khác nhau, việc quy định cụ thể tên mạng xã hội sẽ gây ra hạn chế trong việc tham gia góp ý của người dân tiếp cận. Theo Luật sư Hảo thì không nên quy định cụ thể tên các trang mạng xã hội để có thể áp dụng linh hoạt từng giai đoạn.

Bên cạnh những ý kiến đóng góp trên của các Luật sư, Luật sư Phan Thị Lam Hồng, Luật sư Nguyễn Đức Tùng, Luật sư Nguyễn Văn Trịnh, Luật sư Lê Thu Thuỷ và Cộng sự cùng với nhiều nhóm Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng đối với: Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ cơ sở, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Có thể khẳng định rằng, Luật sư đóng vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, nhiều Luật sư yêu nghề, có kiến thức chuyên môn sâu, ham học hỏi, nghiên cứu và thường xuyên tham gia vào các hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để góp ý các dự thảo luật, văn bản dưới luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: viết bài trên tạp chí; góp ý bằng văn bản; tham luận hoặc trực tiếp trình bày ý kiến trong các hội thảo, hội nghị… Thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình, Luật sư có trách nhiệm tham gia góp ý xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hơn thế nữa, một số Luật sư còn tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo, xây dựng các dự án luật cùng cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế cho thấy một số Luật sư là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã rất tích cực tham gia ý kiến tại các cuộc họp của Quốc hội, của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố để góp ý đối với các dự án luật trong quá trình soạn thảo cũng như phản ánh, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn trong khuôn khổ hoạt động giám sát chấp hành pháp luật của các đoàn công tác của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp.

Với đặc thù hoạt động nghề nghiệp, Luật sư là những người trực tiếp nghiên cứu, cập nhật và vận dụng các văn bản pháp luật ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, những ý kiến góp ý luôn được đánh giá bởi có chất lượng cao, được Ban soạn thảo ghi nhận, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, đồng thời ngày càng nâng cao vai trò, vị thế của Luật sư trên trường quốc tế.

Hội nghị góp ý dự thảo đối với 3 văn bản pháp luật đã thành công tốt đẹp.

Hội nghị góp ý dự thảo đối với 3 văn bản pháp luật đã thành công tốt đẹp với sự chủ trì của Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, Trưởng ban Xây dựng pháp luật và trợ giúp pháp lý. Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV. Việc xem xét cho ý kiến về dự thảo 3 luật trên của các Luật sư Đoàn Luật sư TP. Hà Nội là rất quan trọng để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 trong tháng 5/2022 và sẽ thông qua vào kỳ họp thứ 4 trong tháng 10/2022, Quốc hội khóa XV sắp tới. 

Luật sư TUYẾT NHUNG – NGỌC BÍCH

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Đoàn Luật sư TP. Hà Nội lần thứ 6, nhiệm kỳ 2022-2027

Loan B T Thanh