Tham dự Hội thảo có Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội; Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Luật sư Đào Ngọc Chuyền cho biết, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư... Nhằm đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật, ý kiến của các Luật sư tại Hội thảo là rất quan trọng, thể hiện tinh thần, trách nhiệm và vai trò của đội ngũ Luật sư.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô thì việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là rất cần thiết. Mục tiêu xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn đồng thời phát triển nhanh, bền vững.
Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tham gia ý kiến tại Hội nghị, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã phân cấp phân quyền rất nhiều, có nhiều điều mang tính đặc thù, phải ban hành rất nhiều nghị quyết, quyết định. Góp ý vào các điều luật cụ thể, ông Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, đối với điểm a khoản 1 Điều 10, ông đồng ý phương án 2 tại dự thảo Luật. Theo đó, Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH15, quy định khác của pháp luật có liên quan và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Sở An toàn thực phẩm; Đội quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện, thị xã và một số cơ quan chuyên môn đặc thù, tổ chức hành chính đặc thù thuộc Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội, quận, huyện, thị xã.
Về các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại khoản 2 Điều 36, Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến nhận định, phương án 1 sẽ là hợp lý hơn. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định sau đây: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt tối đa do Chính phủ quy định đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm; Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính bằng việc yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn Thủ đô. Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực quy định tại điểm a có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ở thành phố Hà Nội có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản này...
Góp ý đối với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sư Mai Bích Ngân, Giám đốc Công ty Luật TNHH Anh Trí Việt đồng ý với tinh thần của dự thảo về các biện pháp bảo đảm quy hoạch. Tuy nhiên, theo Luật sư Ngân, cần cân nhắc cụ thể tính hợp lý của việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu nội đô lịch sử, khu vực đô thị trung tâm. Bên cạnh đó, điều luật mới đề cập đến việc phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao, liên kết với nước ngoài, trong khi đào tạo phổ thông cơ bản và đào tạo trong nước cũng là mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo bền vững. Hiện nay, hệ thống trường công lập vẫn đang thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu, nên cần phải có sự điều chỉnh và quy hoạch cụ thể cho vấn đề này.
Về phát triển nhà ở, Luật sư Ngân cũng đồng ý với tinh thần của điều luật. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra cần cụ thể, quy định trách nhiệm cho đơn vị được giao nhiệm vụ; biện pháp hỗ trợ đầu tư phát triển quỹ nhà tái định cư, bao gồm cả biện pháp đặt hàng trong các dự án nhà ở thương mại nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư, tạo sự đồng thuận của người dân…
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty Luật TNHH Đức An, nên sửa quy định trong dự thảo tại khoản 5 Điều 29 về quản lý, sử dụng đất đai như sau: “UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm giao cho tổ chức quản lý quỹ đất theo quy định của Luật Đất đai sửa đổi và nghị định của Chính phủ".
Góp ý vào Điều 30 dự thảo Luật, Luật sư Hảo cho biết, với nhu cầu nhà ở xã hội của người dân đặc biệt là công nhân đang tăng cao. Sự kiện gần 1.500 người nộp hồ sơ bốc thăm suất mua 149 căn hộ nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) mới đây cho thấy thực trạng “khát” căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền với đa số người dân. Cần quy định rõ ràng trong dự thảo Luật Thủ đô để có cơ chế chính sách trong xây dựng nhà ở xã hội cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, theo Luật sư, TP. Hà Nội nên bố trí quỹ đất tương đương 20% đất ở trong các dự án để dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội".
Luật sư Nguyễn Ngọc Lan, Công ty Luật TNHH Ngọc Lan và Cộng sư cho rằng, liên quan tới việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng các loại cho các mục đích khác tại Hà Nội, trên góc độ quy định của pháp luật, việc chuyển mục đích sử dụng đất này được giao cho chính quyền thành phố trên cơ sở đảm bảo sự hài hoà và phù hợp giữa Luật Đất đai năm 2013 và Luật Thủ đô năm 2012. Nhưng trên thực tế, việc thực thi Luật Thủ đô năm 2012, ở khía cạnh chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng và các loại sang mục đích khác còn gặp nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh diện tích các quỹ đất nói trên đang bị thu hẹp, việc chuyển đổi sang mục đích khác không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đô thị. Để khắc phục bất cập này, trong dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần làm rõ thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cũng như cần phải quy định cụ thể cơ chế đặc thù về chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất dùng cho mục đích khác.
Đặc biệt, Điều 199 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai, cụ thể: “Công dân có quyền tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai”. Luật sư cho rằng, việc quy hoạch sử dụng đất cần phải đảm bảo lấy ý kiến cộng đồng, do đó cần phải được thể hiện rõ trong Luật Thủ đô và đảm bảo thực hiện trên thực tế…
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã nhận được các ý kiến đóng góp của các Luật sư, chuyên gia về các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Phát biểu tổng kết Hội thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cảm ơn và bày tỏ sự trân trọng đối với ý kiến đóng góp của các Luật sư.
Luật sư Hà đánh giá các tham luận đều được chuẩn bị công phu, tâm huyết; các ý kiến đóng góp đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ Luật sư trong xây dựng pháp luật. Những ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.
MỸ LINH
Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Báo Lao Động ký thỏa thuận hợp tác