/ Luật sư - Bạn đọc
/ Đạp xe thể dục trên đường cao tốc: Cần tăng mức phạt để xử lý triệt để

Đạp xe thể dục trên đường cao tốc: Cần tăng mức phạt để xử lý triệt để

14/07/2022 10:52 |

(LSVN) – Đối với hành vi đạp xe thể dục trên đường cao tốc, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ảnh minh họa. 

Thời gian qua, theo nhiều tài xế, đại lộ Thăng Long (hướng đi Hòa Lạc) và đường Võ Nguyên Giáp (hướng Nội Bài) là hai tuyến đường thường xuyên xuất hiện những tốp người đạp xe thể dục đe dọa an toàn giao thông. Những người đạp xe vào đây thường viện lý do đạp xe vào 5 - 6h sáng ít xe qua lại để tránh mất an toàn giao thông.

Trước đó, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Nội đã chốt chặn, xử phạt nhóm đông người đạp xe thể dục trên đường Võ Nguyên Giáp. Nhiều trường hợp quay đầu bỏ chạy hoặc vác xe đạp trèo qua dải phân cách khi thấy lực lượng chức năng. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng đoàn người đạp xe thể dục sáng sớm vào làn đường cấm, đường cao tốc hay các cây cầu như Nhật Tân, Vĩnh Tuy… vẫn tiếp diễn.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, đoàn người đạp xe vào làn đường cấm hay đường cao tốc là hành vi đe dọa an toàn giao thông khu vực và vi phạm luật giao thông đường bộ. Theo Luật sư Tiền, đạp xe nâng cao sức khỏe là hoạt động khuyến khích nhưng phải chọn địa điểm an toàn và thích hợp. Nếu biến đường cao tốc thành "đường tập" thì việc đạp xe vô tình trở thành một "bộ môn thể thao mạo hiểm".

Đối với hành vi trên, tùy theo tính chất, mức độ, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng, người đạp xe vào đường cấm, đường cao tốc mà không phải người thực hiện quản lý, bảo trì đường cao tốc, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 400.000 - 600.000 đồng.

"Điều 8. Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc;

...".

Bên cạnh đó, nếu có căn cứ chứng minh rằng người thực hiện hành vi này gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về giao thông đường bộ" tại Điều 260 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 và phải bồi thường thiệt hại nếu có.

Tuy nhiên, Luật sư Tiền cho rằng mức xử phạt hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến tình trạng này tiếp diễn nhiều năm qua. Cơ quan chức năng cần xem xét tăng mức phạt, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát để xử lý triệt để. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng nâng cao cơ sở hạ tầng, tạo "sân chơi" cho những người yêu đạp xe hoạt động.

PV

Hồ sơ mời thầu theo Hiệp định CPTPP không được đưa ra yêu cầu về hàng mẫu

Lê Minh Hoàng