Ngày 19/02, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, với đa số đại biểu tán thành.
Nghị quyết gồm 04 chương, 17 Điều, trong đó có nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Trong đó, có chính sách hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn.

Ảnh minh họa.
Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng sẽ nhận được hỗ trợ nếu đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, như sau:
Hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trung ương trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỉ đồng.
Trong thời gian chuẩn bị và thực hiện dự án, hàng năm được trích lập cao hơn 10% nhưng tối đa không quá 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để bổ sung cho dự án. Tổng số tiền trích lập không vượt quá tổng mức đầu tư của dự án.
Nghị quyết cũng quy định được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.
Thủ tướng Chính phủ quyết định lựa chọn doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này và quyết định mức hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp đó.
Các chính sách hỗ trợ quy định tại Điều này được áp dụng đến hết ngày 31/12/2030.
Ngoài ra, Nghị quyết còn quy định các quy định liên quan đến: Cấp kinh phí nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo cơ chế quỹ; Khoán chi trong thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Quyền sở hữu, quản lý, sử dụng đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Sử dụng ngân sách trung ương triển khai các nền tảng số dùng chung và chỉ định thầu các dự án chuyển đổi số; Chính sách phát triển các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư; Thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp; Hỗ trợ tài chính xây dựng nhà máy đầu tiên để phục vụ nghiên cứu, đào tạo và sản xuất chip bán dẫn…
Hỗ trợ 50% chi phí ban đầu cho doanh nghiệp bán dẫn
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, quỹ này là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ.
Doanh nghiệp, dự án được hỗ trợ chi phí bằng đồng Việt Nam và được chi hỗ trợ tối đa 5 năm, trừ trường hợp được kéo dài thêm thời gian áp dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nghị định quy định 02 phương thức hỗ trợ như sau:
- Thứ nhất là hỗ trợ theo hạng mục hỗ trợ chi phí hàng năm, theo năm tài chính đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp được hưởng mức hỗ trợ tương ứng với mức đáp ứng điều kiện hưởng hỗ trợ. Hạng mục hỗ trợ chi phí hàng năm bao gồm chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chi phí nghiên cứu và phát triển; chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; chi phí đầu tư công trình hạ tầng xã hội; các trường hợp khác do Chính phủ quyết định. Đối tượng được hưởng hỗ trợ chi phí bao gồm doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Nghị định cũng quy định rõ về tiêu chí về quy mô đầu tư, nhân lực để doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ chi phí hàng năm. Cụ thể là doanh nghiệp công nghệ cao có dự án đầu tư với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm. Doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao có quy mô vốn của dự án tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm.
Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo có quy mô vốn của dự án tối thiểu 6.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỉ đồng/năm. Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao mà công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đột phá được ưu tiên nghiên cứu, phát triển do Thủ tướng Chính phủ ban hành thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu. Doanh nghiệp có dự án thiết kế vi mạch thì không phải đáp ứng tiêu chí về quy mô vốn hoặc doanh thu nhưng phải có cam kết sử dụng tối thiểu 300 kỹ sư, cán bộ quản lý người Việt Nam sau thời gian 05 năm hoạt động tại Việt Nam và hàng năm hỗ trợ Việt Nam đào tạo được tối thiểu 30 kỹ sư chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
- Thứ hai là hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu. Đối tượng hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu là doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Doanh nghiệp cần đảm bảo không có các khoản nợ thuế, nợ ngân sách Nhà nước quá hạn tại thời điểm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện tại các điểm a, b và c khoản 6 Điều 18 Nghị định. Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các công nghệ mới, sản phẩm mới mang tính đột phá của đất nước.
Các doanh nghiệp đủ điều kiện được hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu của dự án và đảm bảo theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Nghị định. Ngoài ra, Chính phủ xem xét quyết định mức hỗ trợ khác.