Đề nghị giữ nguyên tên gọi của tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện

26/03/2024 17:59 | 1 tháng trước

(LSVN) - Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, việc đổi tên TAND cấp tỉnh, cấp huyện đi kèm với đổi thẩm quyền xét xử. Đây là xu hướng tiến bộ trên thế giới.

Chánh án Toà án nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vào ngày 26/3, nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến liên quan đến việc tổ chức TAND, nhất là câu chuyện đổi tên Tòa án.

Cụ thể, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị giữ nguyên quy định của luật hiện hành về TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo luật (TAND Tối cao) đề nghị quy định như dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 6. Tức là, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) ủng hộ phương án giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi Tòa án đang tổ chức theo mô hình 04 cấp, đây là mô hình kết hợp giữa tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ và cấp xét xử.

Theo Đại biểu, phương án đổi tên gọi là hình thức, chỉ đổi tên gọi còn không thay đổi về nội dung và phương thức. Vì vậy, chưa đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Việc đổi tên gọi sẽ dẫn tới việc không tương thích với tổ chức các cơ quan tư pháp ở địa phương như Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát…, dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung nhiều luật liên quan.

Đại biểu cũng bày tỏ lo ngại, đổi tên gọi Tòa án còn làm phát sinh chi phí tuân thủ như con dấu, biển hiệu, giấy tờ,…

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho rằng, việc thay đổi này là “không cần thiết”, để tránh tình trạng “bình mới rượu cũ”, hạn chế phát sinh các chi phí. Vì đổi mới không tạo ra những chuyển biến khác biệt trong công tác xét xử.

Việc đổi tên gọi của TAND cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay thành Tòa phúc thẩm, Tòa sơ thẩm; còn tổ chức bộ máy, cơ cấu trong Tòa án vẫn không có sự thay đổi.

Trong khi hệ thống Tòa án hiện nay hoạt động ổn định, hiệu quả và có sự thống nhất giữa các văn bản có liên quan trong hệ thống pháp luật.

Phản hồi ý kiến một số Đại biểu về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay, báo cáo về dự án Luật đã nêu rõ, thực tế đã đổi thẩm quyền, nhưng việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật về tố tụng và các phân cấp của Tòa án.

Theo Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, xuyên suốt từ trước tới nay, các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử. Theo Chánh án TAND Tối cao, Luật không quy định Tòa án cấp tỉnh làm cái này, cấp huyện làm cái kia, mà chỉ quy định tòa sơ thẩm, phúc thẩm… Theo đó, Chánh án TAND Tối cao cho biết, tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì không có nước nào tổ chức Tòa án cấp tỉnh, cấp huyện. Báo cáo về dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã nêu rõ đổi tên sẽ đổi cả thẩm quyền xét xử.

Giải trình về việc này, theo Chánh án TAND Tối cao, thực tế việc đổi thẩm quyền sẽ còn nhiều hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và các phân cấp của Tòa án đã tiến một bước là phân công cho Tòa cấp huyện xử đến 15 năm, nhưng không thể dừng lại mãi cấp huyện chỉ xử đến 15 năm. Một số vụ có yếu tố nước ngoài chuyển lên Tòa cấp tỉnh, nhưng thực tế năng lực Tòa cấp huyện, đặc biệt là Tòa cấp quận của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có thể xử được. 

Từ đó, Chánh án TAND Tối cao đề nghị trình cả 02 phương án ra Quốc hội.

Về quy định ghi âm ghi hình tại phiên tòa, Chánh án cho biết đã có sự điều chỉnh, nhưng quan điểm của cơ quan soạn thảo và thẩm tra chưa gặp nhau, sẽ tiếp tục bàn thêm.

Lấy ví dụ vụ án ly hôn, Chánh án cho rằng, khi ra trước tòa, “chồng nói thế này, vợ nói thế kia, toàn bộ việc đó ghi âm, ghi hình rồi đưa lên mạng sẽ rất phức tạp, xâm phạm đến quyền con người”. Đó là chưa kể, lúc xét xử, hoạt động ghi âm, ghi hình sẽ làm ảnh hưởng đến tính nghiêm túc của phiên tòa, làm phân tâm các thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, Luật sư…

“Tiếp thu ý kiến, chúng tôi quy định Tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, việc này được lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng các bản ghi âm, ghi hình đó phải bảo đảm quyền con người. Sau này viện kiểm sát giám sát thì kiểm tra trên kết quả ghi âm, ghi hình”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Theo Điều 4 của dự thảo Luật quy định về tổ chức của TAND cấp tỉnh hiện nay theo 02 phương án:

Phương án 1: TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (giữ nguyên như hiện hành)

Phương án 2: TAND phúc thẩm

Với TAND cấp huyện hiện nay cũng theo 02 phương án:

Phương án 1: TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (giữ nguyên như hiện hành).

Phương án 2: Tòa án nhân dân sơ thẩm

TRẦN VŨ (t/h)

Đề xuất ghi âm, ghi hình tại phiên tòa phải được sự đồng ý của chủ tọa: Cần quy định rõ ràng, tránh lạm dụng