/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh đối diện hình phạt nào?

Đối tượng bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh đối diện hình phạt nào?

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là hành vi đáng lên án và đáng phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, bởi hành vi này không những xâm phạm quyền tự do thân thể của các cháu bé mà tước đoạt quyền của cha mẹ cháu bé trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Hồi 18h15' ngày 21/8/2020, Công an thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh tiếp nhận tin báo của anh Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1983 ở khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh về việc: Khoảng 16h30' cùng ngày, anh Hưng đưa con trai là cháu Nguyễn Cao Gia Bảo, sinh ngày 05/4/2018 đến khu vui chơi trẻ em tại Công viên Nguyễn Văn Cừ, phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh; anh Hưng ngồi uống nước ở cạnh khu vui chơi, đến khoảng 17h30 không thấy cháu Gia Bảo đầu, anh Hưng thông báo bảo vệ Công viên, cùng người nhà và mọi người tìm kiếm nhưng không thấy.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo Công an thành phố Bắc Ninh phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Phòng Cảnh sát cơ động và các lực lượng tổ chức tìm kiếm cháu bé tại công viên và khu vực xung quanh nhưng không thấy. Xác định vụ việc có dấu hiệu của vụ án “bắt cóc trẻ em”, sáng ngày 22/8/2020, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo xác lập Chuyên án truy xét, huy động lực lượng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức truy tìm cháu bé và truy xét đối tượng, đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội.

Kết quả đến 21h30' ngày 22/8/2020, lực lượng Công an tỉnh Bắc Ninh được sự phối hợp giúp đỡ của Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an và Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện giải cứu thành công cháu Nguyễn Cao Gia Bảo tại Xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Bước đầu làm rõ đối tượng có hành vi bắt cóc và đưa cháu Nguyễn Cao Gia Bảo lên Tuyên Quang là Nguyễn Thị Thu, sinh năm 1988, quê quán: Tổ 5, phường Hợp Giang, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng (Thu đang cư trú cùng người yêu tại Xóm 16, xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).

Hiện lực lượng chức năng đang đưa cháu Gia Bảo về bàn giao cho gia đình, đồng thời di lý đối tượng về Bắc Ninh để phục vụ công tác điều tra.

Chia sẻ về vụ án này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp bày tỏ có lẽ không chị gia đình cháu bé Gia Bảo mà sẽ rất nhiều người vui sướng khi biết tin cháu bé đã được giải cứu, được tìm thấy và giao cho gia đình. Đúng như nhiều người dự đoán ban đầu, vụ việc có dấu hiệu của hành vi chiếm đoạt trẻ em khi những thông tin manh mối ban đầu cho thấy có người phụ nữ trung tuổi đã tiếp cận với cháu bé và chở cháu bé đi bằng một chiếc xe máy. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ nhân thân lai lịch của các đối tượng này và mục đích chiếm đoạt đứa trẻ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.

Nhà nước Việt Nam luôn đề cao và tôn trọng quyền trẻ em, Việt Nam là nước sớm gia nhập Công ước về Quyền trẻ em và có một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ để bảo vệ trẻ em. Theo đó, các bản Hiến pháp, Luật bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004, sau này là Luật trẻ em năm 2016, Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự qua các thời kỳ và các văn bản pháp luật có khác có liên quan đều quy định các quyền cơ bản của trẻ em, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ, người giám hộ đối với trẻ em và quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, của cộng đồng trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Pháp luật Việt Nam luôn có những quy định cụ thể để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, quyền tự do của công dân trong đó có trẻ em (người dưới 16 tuổi). Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe quyền tự do cư trú của công dân đều bị xử lý bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự. Hành vi xâm phạm đến đối tượng là người dưới 16 tuổi thì mức chế tài sẽ nghiêm khắc hơn. Theo quy định của pháp luật thì trẻ em được bảo vệ , chăm sóc, giáo dục bởi cha, mẹ, người giám hộ, đó là người có quyền và có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Việc giao trẻ em cho người khác trông nom, quản lý phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý.

Việc các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của cha cháu bé để đưa cháu đi thì đây là hành vi bắt cóc hoặc chiếm đoạt trẻ em. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội bởi đứa trẻ phải rời khỏi gia đình, cha mẹ, tước bỏ quyền nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ cháu bé một cách trái pháp luật. Bởi vậy các đối tượng chiếm đoạt cháu bé sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015, Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

Điều 153. Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;
c) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;
d) Đối với từ 02 người đến 05 người;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 % đến 60%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Đối với 06 người trở lên;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
d) Làm nạn nhân chết;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, các đối tượng khác không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ mà đưa đưa trẻ ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ dù với mục đích là “giành quyền chăm sóc, giáo dục” thì đây là hành vi chiếm đoạt trẻ em, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên với mức hình phạt ít nhất là từ 03 năm tù đến 07 năm tù.

Theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 thì trẻ em được xác định là người dưới 16 tuổi và mọi hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Trường hợp phạm tội có tổ chức, có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm, có sự cấu kết chặt chẽ với nhau thì các đối tượng phạm tội sẽ phải chịu mức án từ 05 năm đến 10 năm tù.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Vậy trong vụ việc này nếu cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy hai đối tượng này đã thực hiện hành vi chiếm đoạt trẻ em thì các đối tượng sẽ phải đối mặt với mức hình phạt có thể lên đến 07 năm tù, trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi chiếm đoạt trẻ em là có tổ chức thì hai đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt lên đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 153 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi khách quan của các đối tượng trong vụ việc này để xác định ý thức chủ quan của các đối tượng có nhằm chiếm đoạt đứa trẻ hay không, mục đích chiếm đoạt đứa trẻ để nuôi dưỡng hay để tống tiền hay để bán cho người khác? Trong trường hợp hành vi chiếm đoạt cháu bé chỉ nhằm để nuôi dưỡng chăm sóc thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 153 Bộ luật hình sự nêu trên. Còn trường hợp hành vi chiếm đoạt cháu bé nhằm gây áp lực để tống tiền người thân, gia đình cháu thì sẽ xâm phạm đến quan hệ về nhân thân và quan hệ tài sản, sẽ bị truy cứu hình trách nhiệm hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn.

Còn nếu nhằm mục đích mua bán trẻ em thì đối tượng vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 151 Bộ luật hình sự về tội "Mua bán người dưới 16 tuổi" với mức hình phạt cao nhất có thể là tù chung thân. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ hành vi, làm rõ động cơ mục đích của đối tượng để có kết luận chính xác và xác định trách nhiệm pháp lý theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp chỉ có căn cứ cho thấy các đối tượng muốn chiếm đoạt cháu bé này để mang về nuôi dưỡng, chăm sóc thì các đối tượng này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 153 Bộ luật hình sự nêu trên, hình phạt thấp nhất là 03 năm tù, hình phạt cao nhất của tội danh này có thể đến 15 năm tù.

Còn nếu hành vi bắt cóc đứa trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc nhằm mục đích thực hiện hoạt động mua bán người thì mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn bởi những hành vi đó không những nguy hiểm cho xã hội còn nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của cháu bé.

Hành vi bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em là hành vi đáng lên án và đáng phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật, bởi hành vi này không những xâm phạm quyền tự do thân thể của các cháu bé mà tước đoạt quyền của cha mẹ cháu bé trong việc chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em.

Hành vi bắt cóc trẻ em có thể gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của nhiều người. Bởi vậy cơ quan điều tra cần sớm làm rõ sự việc và có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

THANH THANH

/the-chap-quyen-su-dung-dat-vay-von-ngan-hang-nhu-the-nao.html