/ Trao đổi - Ý kiến
/ Đối tượng giết người, cướp tài sản và trốn truy nã 12 năm ở Nam Định đối diện với hình phạt nào?

Đối tượng giết người, cướp tài sản và trốn truy nã 12 năm ở Nam Định đối diện với hình phạt nào?

05/01/2021 18:06 |

(LSO) - Hành vi phạm tội của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt đi quyền sống của người khác, gây tang thương mất mát không gì bù đắp được cho gia đình và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải có hình phạt thích đáng mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm đang diễn ra rất phức tạp trong tình hình hiện nay.

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nam Định đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Tùng (SN 1990, ngụ khu 4B, thị trấn Cồn, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Tùng là đối tượng bị truy nã suốt 12 năm về tội "Giết người" và "Cướp tài sản".

Đối tượng Nguyễn Văn Tùng.

Liên quan đến vụ việc trên Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, ở thời điểm bị can thực hiện hành vi giết người và cướp của là vào năm 2008. Thời điểm này, Bộ luật Hình sự năm 1999 đang có hiệu lực thi hành và hiện nay là Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 đang có hiệu lực.

Như vậy, đối với tội "Giết người", trên cơ sở kế thừa những quy định về tội "Giết người" của Bộ luật Hình sự năm 1999, (sửa đổi bổ sung năm 2009), Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định chi tiết và cụ thể hơn một số chế định nhằm hạn chế, đẩy lùi tình hình tội phạm.

Theo đó, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã không bổ sung thêm điểm nào mà chỉ sửa đổi câu từ ở một số điểm cho phù hợp với tình hình thực tiễn trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống lại tội phạm giết người.

Theo đó, nếu ở điểm a, khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là giết nhiều người thì ở điểm a khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể là giết 02 người trở lên. Bên cạnh đó, điểm c khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định là giết trẻ em thì ở điểm b khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định cụ thể là giết người dưới 16 tuổi. Như vậy, về hình phạt thì không có sự thay đổi do đó sẽ áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 đối với bị can, mức án cao nhất bị can phải đối mặt là án tử hình.

Đối với tội "Cướp tài sản", theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 1999 và Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 không có sự thay đổi. Bộ luật Hình sự 1999 mức hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản" là tử hình, thì đến Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt cao nhất chỉ là tù chung thân, hình phạt tử hình không còn được áp dụng đối với người phạm tội "Cướp tài sản".

Từ đó, theo Luật sư Bình, hành vi phạm tội của đối tượng là đặc biệt nghiêm trọng đã tước đoạt đi quyền sống của người khác, gây tang thương mất mát không gì bù đắp được cho gia đình và gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự tại địa phương nên cần thiết phải có hình phạt thích đáng mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm đang diễn ra rất phức tạp trong tình hình hiện nay.

Luật sư Bình cho rằng, nạn nhân bị sát hại là trụ cột chính trong gia đình, nếu sau khi điều tra xác định nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về tính mạng trong trường hợp này là do hành vi giết người thì ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị can còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

THANH PHONG

/nam-dinh-hung-thu-giet-nguoi-cuop-tai-san-bi-bat-sau-12-nam-truy-na.html