Cự cãi, đốt xe máy khi vi phạm Chỉ thị 16: Có thể xem là hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ

18/08/2021 03:23 | 3 năm trước

(LSVN) - Theo Luật sư Phan Văn Thanh, pháp luật quy định cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình như: chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản nhưng để thực hiện quyền này đòi hỏi cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự thực hiện và không trái với các quy định khác của pháp luật. Luật sư Thanh nhận định, hành vi cự cãi và đốt xe máy có thể xem là hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ.

Chiếc xe máy bị đốt bốc cháy dữ dội bên lề đường.

Theo thông tin ban đầu, khoảng gần 06h ngày 17/8, khi đội tuần tra thuộc Công an phường Phú Lợi, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đi tuần tra trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn thì phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy đi ngoài đường nên tiến hành kiểm tra. Khi kiểm tra, người này không xuất trình được giấy tờ cho phép được ra ngoài trước 06h sáng.

Sau đó, đội tuần tra đang tiến hành lập biên bản thì người này cự cãi và bất ngờ châm lửa tự đốt xe của mình. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến tổ tuần tra không kịp ngăn cản.

Chiếc xe máy bị đốt bốc cháy dữ dội bên lề đường Mỹ Phước - Tân Vạn. Tổ tuần tra đã nhanh chóng khống chế đưa người thanh niên này về trụ sở, tiến hành test nhanh Covid-19 và điều tra làm rõ.

Về sự việc trên, Luật sư Phan Văn Thanh, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 117/2020/ NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, người này có thể bị xử phạt hành chính từ 01 - 03 triệu đồng do vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo Luật sư Thanh, pháp luật quy định cá nhân có quyền định đoạt tài sản của mình như: chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản nhưng để thực hiện quyền này đòi hỏi cá nhân đó phải có năng lực hành vi dân sự thực hiện và không trái với các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, hành vi cự cãi và đốt xe máy có thể xem là hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ.

Cụ thể, người này có thể bị xử phạt hành chính từ 02 - 03 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc có thể bị truy tố hình sự về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 3 năm.

Ngoài ra, nếu việc tự đốt, phá phương tiện của mình tại nơi công cộng tức gây ách tắc giao thông hoặc ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia giao thông khác và đủ điều kiện cấu thành tội “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thi hành vi này có thể bị phạt tiền từ 01 - 10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

LINH NHI

Bộ Công an quản lý chung về khai báo y tế