/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 12/2022

29/12/2022 08:54 |

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 12/2022 gồm những bài viết đặc sắc của các tác giả là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu, Luật sư…

Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 12/2022 gồm một số bài viết chính sau đây:

Về chủ đề “giáo dục đại học”, với bài “Một số vấn đề pháp lý về mô hình cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam”, PGS.TS.LS Chu Hồng Thanh (Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Luật Giáo dục đại học hiện hành, cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam bao gồm đại học, trường đại học, vọc viện. Đại học được chia thành đại học quốc gia và đại học vùng. Học viện được hiểu theo 02 nghĩa: Academy và Institut… Các trường đại học lại được chia thành trường công lập và trường tư thục. Trường tư thục bao gồm cả các trường quốc tế, trường có vốn đầu tư nước ngoài. “Mô hình cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam” tưởng như không còn là vấn đề mới vì sự tồn tại của cơ sở giáo dục đại học đã trải qua nhiều thập kỷ, thậm chí hàng trăm năm tồn tại và phát triển, nhưng thực ra lại còn nguyên các vấn đề để thảo luận, thậm chí có những vấn đề dường như phải thảo luận lại từ đầu.

Tác giả đi sâu phân tích bản chất pháp lý của các loại hình cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật Giáo dục đại học và từ kinh nghiệm quản trị đại học trên thế giới để đi đến kết luận: Không có một mô hình nào có thể trở nên ưu việt thực sự trong một hệ thống rời rạc, mang nặng tính hành chính và hình thức như hiện nay. Như vậy, việc tổ chức sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục đại học hiện đặt ra như một nhu cầu tất yếu và cấp bách trong quản trị đại học hiện nay.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang ảnh hưởng ngày càng sâu rộng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Sự bùng nổ của các công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet vạn vật (IoT), công nghệ sổ cái phân tán (DLT) hay công nghệ chuỗi khối (blockchain)... và việc ứng dụng các công nghệ này đã làm xuất hiện nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ mới, chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại, trong đó có tài sản ảo, tiền ảo. Việc phát hành, lưu thông, trao đổi các loại tài sản ảo, tiền ảo ngày càng được mở rộng về quy mô, phạm vi ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của công chúng, các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế, tài chính, pháp lý, các chính phủ và tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, việc “định danh”, ghi nhận các loại tài sản này, khả năng tham gia giao dịch của mỗi loại tài sản đang còn có những khoảng trống hoặc được quy định tương đối phức tạp, thiếu thống nhất. “Hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền ảo” là tựa đề bài viết của tác giả Cao Xuân Phong (Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp). Tác giả tập trung phân tích những khái niệm và đặc điểm của tài sản ảo, tiền ảo và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện khung pháp lý đối với các loại hình tài sản này.

Cùng chủ đề về “tiền ảo”, hai tác giả TS Ngô Ngọc Diễm và ThS Trần Thị Diên (Khoa Luật , Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) lại đặt vấn đề “Công nhận tiền ảo - Những vấn đề pháp lý cần đặt ra”. Các tác giả cho rằng, tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng mặc dù ở Việt Nam chưa được công nhận nhưng bản thân các loại hình tiền này lại đang được thừa nhận và có sự phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia. Do đó, việc ghi nhận tiền ảo là một loại tài sản và ban hành quy định pháp luật toàn diện điều chỉnh là hướng đi phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay, cũng như bắt kịp được xu thế chung của thế giới. Qua đó, tạo cơ sở vững chắc cho việc quản lý hoạt động giao dịch, môi giới, huy động vốn thông qua phát hành tiền ảo (ICO), thu thuế đối với các thu nhập từ hoạt động liên quan đến tiền ảo...; đồng thời giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả chống lại các hành vi trái pháp luật trong sử dụng tiền ảo (như rửa tiền, tẩu tán tài sản...).

ThS Nguyễn Mai Anh (Trường Đại học Luật Hà Nội) và ThS.LS Nguyễn Văn Trung (Công ty Luật TNHH Trí Minh) có bài “Về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán”. Hiện nay, tổ chức không phải ngân hàng ở Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến tỉ lệ mà nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu trong các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã dẫn đến nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý trong việc vừa phải đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn trong hệ thống thanh toán khi quản lý giới hạn tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, song vẫn bảo đảm cơ chế rõ ràng, minh bạch để thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tận dụng được tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Bài viết đi sâu phân tích thực trạng pháp luật và những bất cập về tỉ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức trung gian thanh toán ở Việt Nam, qua đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 12/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11/2022

 
Nguyễn Hoàng Lâm