Theo nghiên cứu của tác giả, Luật sư và báo chí là hai nghề khác nhau, nhưng lại có nhiều điểm khá tương đồng và đã có không ít Luật sư nổi tiếng ở Việt Nam là Nhà báo hoặc liên quan trực tiếp đến nghề báo. Bài viết tập trung phân tích những điểm giống nhau cơ bản giữa nghề Luật sư và báo chí, đồng thời giới thiệu về một số Luật sư Việt Nam tiêu biểu là Nhà báo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Với bài “Phân công, kiểm soát quyền lực Nhà nước và phòng chống tham nhũng”, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Trường Đại học Tôn Đức Thắng) đưa ra nhận xét: Quyền lực Nhà nước luôn gắn liền với tha hóa, tham nhũng. Để quyền lực không bị tha hóa phải có phân công, kiểm soát quyền lực. Phân công, kiểm soát quyền lực Nhà nước là cơ sở nền tảng của việc phòng, chống tham nhũng. Phân công, kiểm soát quyền lực Nhà nước là quy luật khách quan, cơ sở cho việc phòng chống tham nhũng và phải được quy định trong hiến pháp của mỗi quốc gia. Với tư cách là đạo luật cơ bản của quốc gia, hiến pháp phải có những quy định kiểm soát quyền lực Nhà nước. Bài viết phân tích cơ sở lý luận của mối quan hệ này và những biểu hiện qua các quy định hiến pháp của một số quốc gia phát triển và của Việt Nam.
Cùng đề tài về phòng chống tham nhũng, tác giả Nguyễn Quang Thành (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) có bài “Thực hành quản trị Nhà nước tốt để phòng, chống tham nhũng”. Tác giả cho rằng, thực hành quản trị Nhà nước tốt là một trong những xu thế phổ biến và tất yếu trong xã hội đương đại, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quá trình vận hành bộ máy Nhà nước và đội ngũ thực thi công vụ. Đặc biệt, các nguyên tắc của quản trị Nhà nước tốt còn có liên hệ mật thiết với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân hiện nay. Bài viết làm rõ bản chất của tham nhũng, vai trò của thực hành quản trị Nhà nước tốt trong mối liên hệ với phòng, chống tham nhũng, từ đó đề xuất, kiến nghị một số nội dung có liên quan.
Ở bài “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách tại Việt Nam hiện nay”, ThS Nguyễn Thu Trang (Trường Đại học Luật Hà Nội) nhận định:
Thước đo sự thành công của hoạt động quản lý Nhà nước thể hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân cũng như khả năng thích ứng linh hoạt của nền hành chính với sự biến đổi của xã hội. Để đạt được hai tiêu chí nêu trên, Nhà nước phải có các biện pháp để có thể khắc phục kịp thời những khiếm khuyết của bộ máy cũng như nhanh chóng phát hiện ra những vấn đề trục trặc trong xã hội. Chính sách công là một trong số những công cụ hữu hiệu mà Nhà nước có thể sử dụng để giải quyết “bài toán” nêu trên. Tuy nhiên, ở nước ta, việc hoạch định chính sách, khâu khởi đầu của chu trình chính sách, vẫn chưa hoàn toàn được thực hiện một cách có hiệu quả. Bài viết đã phân tích thực trạng và đề ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạch định chính sách công tại Việt Nam hiện nay.
ThS Lê Ngọc Khuê và ThS Phạm Văn Toàn (Học viện Cảnh sát nhân dân) có bài “Một số kiến nghị hoàn thiện Luật Xử lý vi phạm hành chính”. Theo các tác giả, Luật Xử lý vi phạm hành chính ra đời đã mang lại nhiều kết quả quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính, góp phần duy trì trật tự kỷ cương xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện Luật đã cho thấy một số quy định còn nhiều bất cập. Bài viết phân tích một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020), qua đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những, vướng mắc, bất cập, góp phần nâng cao hiệu quả ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính trong giai đoạn hiện nay.
“Hoàn thiện một số quy định về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp” là bài viết của ThS Phan Diệu Linh (Trường Đại học Kiểm sát). Tác giả cho rằng, Chương XXIV Bộ luật Hình sự hiện hành về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp đang còn nhiều bất cập về từ ngữ, khái niệm về các hành vi… Những hạn chế, thiếu sót này sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất trong xử lý các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp và phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật để xử lý các tội này. Bài viết nêu ra những bất cập trong từng điều luật cụ thể và đề xuất hướng chỉnh sửa, thay đổi để những quy định này được hoàn thiện hơn.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 6/2023.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT