/ Tin nổi bật
/ Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2022

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 7/2022

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - "Tranh chấp thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại theo pháp luật Việt Nam" là chủ đề chính của Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 7/2022.

Mở đầu là bài “Các loại tranh chấp thương mại - Thực trạng và những vấn đề đặt ra” của Luật sư Hoàng Tùng (Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội). Theo tác giả, hiện nay, chưa có quy định pháp luật cụ thể nào chỉ rõ có tất cả bao nhiêu loại tranh chấp thương mại. Mỗi loại tranh chấp thương mại đều có những đặc điểm, tính chất riêng, có sự liên quan về tư cách pháp lý của chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ cũng như quá trình thực hiện hoạt động thương mại,… Phân loại tranh chấp thương mại là cơ sở để đơn giản hóa và phân biệt những nhóm, những đối tượng có đặc điểm tương tự nhau, cần thiết phải có điều luật chính thức phân loại tranh chấp thương mại. Qua phân tích những đặc điểm và sự khác biệt của các loại tranh chấp thương mại trên cơ sở các quy định của pháp luật liên quan, tác giả cho rằng việc có cơ chế pháp lý rõ ràng về các loại tranh chấp thương mại là vấn đề cấp thiết hiện nay, để các hoạt động kinh doanh, hoạt động thương mại được thúc đẩy, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng cho các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế, hỗ trợ công tác giải quyết tranh chấp thương mại bằng các biện pháp theo luật định.

Một trong những loại tranh chấp thương mại phổ biến là tranh chấp có liên quan đến hợp đồng thương mại. Đồng tác giả Thạc sĩ, Luật sư Ngô Việt Bắc và Huỳnh Thị Hồng Nguyệt (Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) có bài “Giải quyết tranh chấp thương mại liên quan đến hợp đồng”. Bài viết phân tích một số tranh chấp liên quan đến hợp đồng thường hay xảy ra (như hợp đồng mua bán hàng hóa; hợp đồng đại lý, phân phối; hợp đồng xây dựng, kỹ thuật và cơ sở hạ tầng…); các phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên trong hợp đồng thường lựa chọn. Tranh chấp xảy ra trong các quan hệ hợp đồng là không thể tránh khỏi, tuy nhiên có thể hạn chế, qua bài viết, các tác giả cũng đã đề xuất một số giải pháp các bên liên quan có thể tham khảo để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại kéo theo cũng như phát sinh tranh chấp liên quan đến hợp đồng thương mại.

Tranh chấp thương mại hiện nay là tranh chấp xảy ra cực kỳ phổ biến và phức tạp bởi vấn đề thường không chỉ nằm trong lĩnh vực thương mại mà còn liên quan tới nhiều lĩnh vực khác như đất đai, hành chính, thừa kế, hôn nhân gia đình... Điều đó đòi hỏi người Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại không chỉ cần có kiến thức sâu rộng ở nhiều lĩnh vực mà còn cần vận dụng rất nhiều kỹ năng như đối thoại, hòa giải, thương lượng… và kỹ năng tranh tụng. Về vấn đề này, TS.Luật sư Nguyễn Quang Anh (Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) có bài “Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại”. Tác giả cho rằng, đối với một Luật sư giỏi, kiến thức và kỹ năng là hai khái niệm mang mối quan hệ gắn kết không thể tách rời. Trau dồi kiến thức giúp phát triển kỹ năng, thực hành kỹ năng giúp bổ sung kiến thức. Khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại nói riêng và thực hiện các dịch vụ pháp lý nói chung, Luật sư cần hội tụ đủ các kỹ năng: thu thập và phân tích thông tin, lựa chọn phương thức giải quyết phù hợp, các kỹ năng phù hợp với các hình thức giải quyết tranh chấp (thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án), kỹ năng về tin học và công nghệ thông tin. Bài viết đi sâu phân tích nội dung của các kỹ năng nói trên.

Liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp thương mại bằng tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án còn có khái niệm “tài trợ của bên thứ ba”. Cơ chế “tài trợ của bên thứ ba” (third party funding/TPF) là một trong những cơ chế tài chính pháp lý nhận được sự quan tâm từ cộng đồng luật và trọng tài quốc tế. TPF được thiết kế nhằm cho phép một bên thứ ba - không phải bên liên quan trực tiếp trong vụ kiện (tại tòa án hoặc trọng tài) - tham gia cấp tài chính cho một bên nguyên đơn hoặc bị đơn vốn không có đủ nguồn lực theo đuổi vụ kiện của mình.

Tuy nhiên, hiện chưa có một cách hiểu thống nhất về cơ chế TPF. Một số học giả xem TPF là một thương vụ đầu tư tài chính, cho vay thương mại, số khác xem TPF như một dạng hợp đồng bảo hiểm tài chính. Hiện nay, định nghĩa về TPF vẫn đang được nghiên cứu phát triển, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Bài viết “Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại” của Tiến sĩ Châu Huy Quang (Luật sư điều hành Rajah & Tann LCT; Thành viên Tòa Trọng tài ICC tại Việt Nam; Trọng tài viên VIAC) đã phân tích, làm rõ những khái niệm và cung cấp một số thông tin liên quan đến TPF.

Ngoài những bài liên quan đến chủ đề chính, mục “Nghiên cứu - Trao đổi” Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 7/2022 còn có bài “Áp dụng pháp luật trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự” của ThS Nguyễn Thị Vân Trang (Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh). Áp dụng pháp luật trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự là một chế định mới lần đầu tiên được quy định trong pháp luật dân sự và pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Khoản 2, Điều 14, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng; trong trường hợp này, quy định tại Điều 5 (áp dụng tập quán) và Điều 6 (áp dụng tương tự pháp luật) của Bộ luật này được áp dụng. Khoản 2, Điều 4, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Bài viết tập trung phân tích các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này và một số vướng mắc, hạn chế từ thực tiễn áp dụng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có bài “Những vướng mắc từ thực tiễn thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ”. Theo nhận xét của tác giả, qua hơn 16 năm thực hiện, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy hiệu quả to lớn trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý hữu hiệu trong việc xác lập, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật Sở hữu trí tuệ thời gian qua cũng cho thấy một số quy định của Luật đang bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng về công nghiệp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nên việc tăng cường bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do vậy, việc chỉ ra các hạn chế trong quá trình thực hiện, từ đó sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ là đòi hỏi cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 7/2022.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2022

Lê Minh Hoàng