Ảnh minh họa.
“Tư duy phản biện trong hoạt động của người hành nghề Luật sư” là một nghiên của GS.TS.NGƯT Nguyễn Hữu Khiển. Tác giả cho rằng, tư duy phản biện là công cụ và chức năng của người bênh vực, biện hộ (trong đó có những Luật sư) và đi sâu phân tích bản chất của tư duy phản biện, sự cần thiết và tầm quan trọng của tư duy phản biện đối với hoạt động hành nghề của Luật sư.
Đề cập đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tác giả TS Lê Vệ Quốc và Nguyễn Thành Huy (Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp) có bài “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) ở Việt Nam đã và đang ngày càng khẳng định vai trò là một bộ phận không thể tách rời của quá trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật. PBGDPL được xem là cầu nối để đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách về tiếp cận pháp lý giữa đồng bằng, thành thị với những khu vực có điều kiện khó khăn, trong đó nổi bật là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bài viết tập trung làm rõ những tiền đề cơ bản nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác PBGDPL cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay.
Cũng liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Cảnh sát giao thông, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân; phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông trên đường cao tốc. Bài “Các giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc” của tác giả Ngọ Duy Thi (Học viện Cảnh sát nhân dân) tập trung làm rõ thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc trong thời gian tới.
Phát triển kinh tế biển xanh là mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế biển gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Để thực hiện thành công Chiến lược này, thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh một cách bền vững cần triển khai thực hiện đồng bộ hàng loạt nhóm giải pháp, trong đó giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh được xem là một nhiệm vụ quan trọng đầu tiên và cơ bản đặt nền tảng cho thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Bài “Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về kinh tế biển xanh” của TS Hoàng Quốc Lâm (Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã đề xuất một số để thực hiện mục tiêu nói trên.
ThS Trần Thị Ánh (Trường Đại học Kiên Giang) có bài “Căn cứ xác định giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự”. Giới hạn của việc xét xử sơ thẩm là chế định pháp lý quan trọng trong Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam có liên quan đến nhiều chế định khác. Việc quy định giới hạn của việc xét xử sơ thẩm phải dựa vào những căn cứ có tính khoa học được đúc kết từ lý luận và thực tiễn. Những căn cứ này giúp nhà làm luật cân nhắc mọi khả năng, dự liệu các tình huống để quy định giới hạn của việc xét xử sơ thẩm cho mỗi cấp tòa án. Hiện nay, vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều, bài viết phân tích một số căn cứ làm cơ sở để nghiên cứu, tham khảo khi đề cập đến quy định giới hạn xét xử sơ thẩm trong tố tụng hình sự Việt Nam.
Học thuyết về “Khẳng định và cam đoan” và cách áp dụng vào pháp luật hợp đồng Việt Nam là một nghiên cứu của TS.LS Nguyễn Quốc Vinh (Công ty Luật Scientia). Bài viết giới thiệu sơ lược lịch sử của học thuyết về “khẳng định và cam đoan” trong pháp luật về hợp đồng; hậu quả khi vi phạm và khuyến nghị cho các Luật sư Việt Nam khi thực hiện việc soạn thảo hay rà soát điều khoản “khẳng định và cam đoan” tại hợp đồng.
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động Luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 8/2024.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT