Tháng 10 với nhiều sự kiện lớn của đất nước, như: Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Ngày Giải phóng Thủ đô, Ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam,... Với tôn chỉ, mục đích là phản ánh hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, hoạt động nghề nghiệp của giới Luật sư, Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt số tháng 10/2021 với nhiều nội dung mới, đặc sắc.
Tiếp nối thành công của những ấn phẩm trước đó, chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam số tháng 10/2021 giới thiệu đến quý độc giả những bài viết đặc sắc về nghề Luật sư, như: "Chuyện về sự ra đời của Liên đoàn Luật sư Việt Nam" của Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thế Phong, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Khen thưởng - Kỷ luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Bài viết với những chia sẻ về sự ra đời Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tác giả cho biết, trước khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam ra đời vào năm 2009 thì nước ta chỉ có các đoàn Luật sư địa phương. Các Đoàn Luật sư lần lượt được thành lập tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 1984 cho đến năm 2009 theo các quy định trước đó, nhất là từ khi có Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 1987. Vào thời điểm đầu năm 2009, cả nước có 61 đoàn Luật sư trên 63 tỉnh thành.
Năm 2006, Luật Luật sư được ban hành (có hiệu lực từ 01/01/2007), quy định về việc thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc. Để xúc tiến công việc thành lập, Bộ Tư pháp đã cùng các Đoàn Luật sư chuẩn bị trước rất nhiều công việc, bao gồm: tổ chức các đoàn công tác đi tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước; tổ chức nhiều hội thảo có mời chuyên gia luật các nước đến dự để tham vấn, đóng góp ý kiến; xây dựng Đề án thành lập Tổ chức Luật sư toàn quốc;...
Từ khi được thành lập đến nay, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức. Việc ra đời và sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là sự đóng góp đầy tâm huyết của rất nhiều Luật sư trên cả nước, trong đó có công lao đóng góp rất lớn của các thành viên Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội và Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.
Vấn đề "Đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII" của PGS. TS. Nguyễn Thị Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư phápcho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển, nhất là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025; định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; các nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII tạo đột phá chiến lược trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nói riêng.
Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp ở Việt Nam, nhiều quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội mới phát sinh có thể làm thay đổi căn bản các mô thức, trật tự truyền thống vốn được hệ thống pháp luật hiện hành điều chỉnh. Định hướng đào tạo nguồn nhân lực ngành tư pháp, trong đó có đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế cần đón đầu để hoạch định chiến lược là câu hỏi lớn mà Việt Nam đang phải giải đáp.
Bài viết đề cập vấn đề về đổi mới tư duy pháp lý và những định hướng đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế nhằm thực thi có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong giai đoạn 2021-2030, cần tiếp cận việc nâng cao chất lượng đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế từ những thay đổi về tư duy pháp lý, đổi mới hoạt động đào tạo. Trên phương diện bối cảnh, thách thức, nhất là đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với nghề Luật sư, đặt ra những cơ hội, yêu cầu đào tạo nghề Luật sư đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng, phục vụ đắc lực cho việc thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo tác giả, mục tiêu này sẽ được hiện thực hóa bằng việc kết hợp giữa thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề Luật sư theo phương pháp truyền thống với việc triển khai đa dạng hóa cách thức tổ chức dạy - học mới kết hợp cả trực tiếp và từ xa theo phương thức trực tuyến. Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế cần đón đầu thay đổi này với sự chuyên nghiệp lấy chất lượng là nền tảng phát triển bền vững. Trong đó, đề cao giá trị công nghệ đào tạo hiện đại, giúp học viên hình thành và phát triển năng lực thực hành nghề hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn nghề nghiệp.
Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang diễn ra ngày một sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là vào những thập niên cuối của thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Không nằm ngoài xu thế chung đó, việc hội nhập trong lĩnh vực pháp luật, tư pháp cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Với vị trí trung tâm của thiết chế bổ trợ tư pháp, Luật sư càng có vai trò quan trọng trong hội nhập quốc tế. Nội dung này được thể hiện trong bài viết "Vai trò của Luật sư trong hội nhập quốc tế" của Thạc sĩ Ngô Văn Hiệp, Trưởng Văn phòng Luật sư Hiệp và Liên danh (HALF).
Theo đó, khi nói đến vai trò của Luật sư là nói đến hoạt động của Luật sư trong việc cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng. Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý trong các lĩnh vực: tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; dịch vụ pháp lý khác. Tuy nhiên, đây không phải là vai trò duy nhất của Luật sư, bởi lẽ bên cạnh việc thực hiện vai trò nêu trên thì Luật sư còn có nhiều vai trò quan trọng khác như: bảo vệ công lý; bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; xây dựng pháp luật; phổ biến, tuyên truyền pháp luật và hội nhập quốc tế... Khi bàn đến vai trò của Luật sư, hiện nay vẫn còn khá nhiều các ý kiến khác nhau, sở dĩ có thực trạng như vậy vì mỗi học giả lại có cách tiếp cận, luận giải khác nhau về vấn đề này. Hơn nữa, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi nước mà có sự nhận thức khác nhau về vị trí, vai trò của Luật sư.
Nghề Luật sư có nhiều đặc thù và được điều chỉnh bằng những quy định của pháp luật và quy tắc nội bộ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư. Ở các nước trên thế giới pháp luật đều quy định về việc quản lý nhà nước và tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, đối với tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thì còn có nhận thức khác nhau. Bài viết "Trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư" của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân khái quát những đặc thù của nghề Luật sư đã đề cập đến một số vấn đề mang tính lý luận về tổ chức xã hội - nghề nghiệp nói chung và đi sâu phân tích, làm rõ trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư nói riêng.
Hoạt động trợ giúp pháp lý của các quốc gia trên thế giới hiện nay hầu hết được thực hiện song song bởi mô hình Luật sư công và Luật sư tư. Trong đó, Luật sư công vừa đóng vai trò của Luật sư, vừa chịu sự quản lý hành chính của nhà nước, do đó có sự đặc thù về hoạt động nghề nghiệp, bên cạnh nghiệp vụ thì Luật sư công phải thực hiện các công việc thuộc chức năng của đơn vị sự nghiệp mà mình trực thuộc. Thạc sĩ Đỗ Thu Hương, Trường Đại học Luật Hà Nội với bài viết "Mô hình Luật sư công ở một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam" đã làm rõ vấn đề này.
Theo tác giả, mô hình Luật sư công ở các nước trên thế giới cho thấy sự hiệu quả trong hoạt động trợ giúp pháp lý. Nghiên cứu mô hình này trong bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam có thể giúp đưa ra những kinh nghiệm cần thiết để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, trong đó mấu chốt nhất vẫn là nâng cao năng lực của đội ngũ Luật sư công.
Bên cạnh các bài viết nhằm hướng tới kỷ niệm 76 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam Tạp chí Luật sư Việt Nam số đặc biệt tháng 10/2021 còn có những bài viết nghiên cứu sâu sắc như "Sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại trong bối cảnh Covid-19" của Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Ngọc Bích.
Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề; gây ra những tác động, phần lớn là tiêu cực, tới việc thực hiện các hợp đồng thương mại, bao gồm hợp đồng mua bán hàng hóa và hợp đồng cung cấp dịch vụ. Việc áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng nhằm mục đích miễn trách nhiệm đối với bên vi phạm nghĩa vụ trong bối cảnh dịch bệnh là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Bài viết đề cập đến khái niệm, đặc điểm và cách thức áp dụng quy định về sự kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng thương mại trong bối cảnh Covid-19. Theo đó, Covid-19 nói chung không phải là căn cứ đương nhiên để áp dụng quy định pháp luật về sự kiện bất khả kháng nhằm miễn trách nhiệm cho tất cả các trường hợp vi phạm nghĩa vụ thực hiện hoặc không thực hiện thỏa thuận cam kết giữa các bên trong hợp đồng thương mại. Việc xem xét căn cứ này phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; trên cơ sở thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và các quy định pháp luật quốc gia và quốc tế có liên quan.
Chuyên mục“Nhìn ra thế giới”, tác giả Nguyễn Quang Du với bài viết "Cơ chế kiểm soát quyền lực của Cộng hòa Liên bang Đức". Trong thời đại ngày nay, vấn đề kiểm soát quyền lực là vấn đề nóng mang tầm quốc tế; nó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, nếu không muốn quốc gia đó rơi vào khủng hoảng về nhiều mặt. Kiểm soát quyền lực thực chất là kiểm soát quyền lực nhà nước, mà trọng tâm là chính phủ, quyền lực của các cơ quan công quyền, của những người có chức, có quyền từ vị trí cao nhất.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả đã nêu vấn đề trọng tâm là tìm hiểu, nghiên cứu thực trạng kiểm soát quyền lực của Cộng hòa liên bang Đức, một quốc gia với nền kinh tế hàng đầu châu Âu, xếp thứ tư thế giới, cho đến nay vẫn được mệnh danh là “đầu tàu của châu lục”.
Ngoài ra, còn có những bài viết hấp dẫn khác về Luật sư hội nhập quốc tế tại chuyên mục Diễn đàn như "Các giải pháp nâng cao chất lượng chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế", "Liên đoàn Luật sư phải là cầu nối để Luật sư Việt Nam hội nhập quốc tế",...
Vấn đề nghiên cứu pháp luật có các bài viết: "Tiền ảo và những vấn đề pháp lý", "Hoàn thiện pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam hiện nay",...
Với những nội dung đa dạng, hấp dẫn, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả trong cả nước Ấn phẩm Đặc biệt số tháng 10/2021 của Tạp chí Luật sư Việt Nam.
THANH THANH
Cần phát triển nghề Luật sư tương xứng với vai trò và vị thế trong xã hội