Cần phát triển nghề Luật sư tương xứng với vai trò và vị thế trong xã hội

14/10/2021 22:51 | 2 năm trước

(LSVN) - Luật sư là nghề cao quý và ngày càng thể hiện được vai trò, vị trí của mình trong xã hội, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân, được xã hội ghi nhận, tôn trọng và yêu mến.

Luật sư Đặng Văn Cương tại phiên tòa.

Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020 ghi nhận: "Đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với Luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của tổ chức Luật sư; đề cao trách nhiệm của các tổ chức Luật sư đối với thành viên của mình".

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển và nhu cầu của xã hội thì số lượng và chất lượng của Luật sư tăng lên nhanh chóng. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, đối với hoạt động hay Luật sư gọi chưa thể hoạt động hành nghề của các Luật sư cũng dễ dàng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực tranh tụng.

Sự phát triển của kinh tế xã hội khiến nhu cầu về dịch vụ pháp lý ngày càng gia tăng, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân và doanh nghiệp ngày càng nâng cao, đó là cơ hội thuận lợi để các Luật sư có thể hành nghề trên nhiều lĩnh vực như: tư vấn đầu tư, tư vấn doanh nghiệp, các hoạt động đại diện và tham gia tố tụng.

Nguồn đầu vào của Luật sư cũng rất đa dạng, chia làm hai nhóm chính là các cán bộ của các cơ quan tư pháp nghỉ hưu tham gia hành nghề Luật sư và một nguồn chủ yếu nữa là từ các sinh viên luật, có định hướng nghề nghiệp Luật sư ngay từ đầu. Sự đa dạng của các độ tuổi, kinh nghiệm từng trải của các Luật sư lớn tuổi và sự nhanh nhẹn, am hiểu khoa học, công nghệ của các Luật sư trẻ là những lợi thế, vốn quý để giới Luật sư học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển.

Quá trình hành nghề Luật sư thì mỗi lĩnh vực lại đòi hỏi những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm khác nhau. Mỗi lĩnh vực hành nghề Luật sư lại có những khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian gần đây thì hoạt động hành nghề Luật sư trong lĩnh vực tư vấn và tranh tụng đều có những bước phát triển đáng ghi nhận. Số lượng các doanh nghiệp cần, tư vấn của Luật sư ngày càng nhiều, các Luật sư hoạt động tư vấn doanh nghiệp, tư vấn đầu tư ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và ngày càng không thể thiếu trong các quan hệ kinh tế quốc tế.

Trong lĩnh vực tranh tụng, số các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính có sự tham gia của Luật sư ngày càng nhiều và rộng khắp trên cả nước. Không chỉ ở các thành phố lớn mà tại các tỉnh lực lượng Luật sư cũng ngày càng phát triển, tham gia đông đảo trong các vụ án góp phần bảo vệ công lý, đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong hoạt động tố tụng.

Những đóng góp của Luật sư Việt Nam không chỉ đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, của cá nhân, được nhân dân tin yêu, quý trọng mà những đóng góp về kinh tế cũng rất đáng ngợi ca. Từ các hoạt động nghề nghiệp, từ các dịch vụ pháp lý mà giới Luật sư cũng đã đóng góp thuế thu nhập và các khoản chi phí, nghĩa vụ tài chính vào ngân sách nhà nước đáng kể, nâng cao vị thế và vai trò của Luật sư đối với xã hội.

Hoạt động nghề nghiệp Luật sư ngày càng mang lại nhiều giá trị cho xã hội, được xã hội ghi nhận. Trong bối cảnh hợp tác kinh tế quốc tế sâu rộng thì nhu cầu về Luật sư trong các hợp đồng, giao dịch, các quan hệ kinh tế quốc tế ngày càng lớn. Bởi vậy, xu hướng đào tạo của các cơ sở đào tạo luật cũng hướng đến mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, chuẩn bị lực lượng Luật sư có chất lượng cho các quan hệ kinh tế, quốc tế. Ngày nay, các bạn trẻ theo học chuyên ngành luật của các cơ sở đào tạo luật có định hướng nghề nghiệp Luật sư ngay từ đầu ngày càng nhiều khiến đội ngũ Luật sư được bổ sung một lực lượng có chất lượng, có đam mê và có rất nhiều cơ hội để phát triển nghề nghiệp.

Bên cạnh những thuận lợi trong hoạt động nghề nghiệp thì việc hành nghề Luật sư vẫn còn những khó khăn nhất định, có thể kể đến như tư duy, nhận thức của nhiều người dân vẫn còn lạc hậu, bị ảnh hưởng nặng nề của văn hóa làng xã theo kiểu "phép vua thua lệ làng". Chính vì muốn chống lại pháp luật đô hộ phương Bắc mà người dân sử dụng "lệ làng", lâu dần thành quen, dẫn đến nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật, thiếu tôn trọng pháp luật hoặc coi nhẹ, khinh nhờn, pháp luật nên chưa tiếp cận nhiều với dịch vụ pháp lý, chưa hiểu hết giá trị, vai trò của Luật sư trong các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế, trong hoạt động tố tụng. Những người này thường dùng tình cảm để giải quyết các mối quan hệ liên quan đến pháp luật và coi nhẹ giá trị của pháp luật nên thờ ơ với các dịch vụ pháp lý. Thói quen, nét văn hóa này ảnh hưởng đến việc thực hiện pháp luật cũng như sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư.

Một số cán bộ, công chức vẫn có những tư tưởng, suy nghĩ, cách làm việc cũ, lạc hậu nên rất e ngại khi Luật sư tham gia vào các hoạt động hành chính, tư pháp. Họ chưa hiểu hết giá trị trong hoạt động hành nghề Luật sư, coi nhẹ sự có mặt của Luật sư trong các quan hệ hành chính, pháp lý. Bởi vậy, nhiều người tìm cách lảng tránh, thậm chí gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động hành nghề Luật sư.

Các quy định của pháp luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho hoạt động hành nghề Luật sư, đặc biệt là các bộ luật tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan. Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ghi nhận khá nhiều "quyền" cho Luật sư trong các hoạt động hành chính, tư pháp, đảm bảo quyền hành nghề Luật sư. Tuy nhiên, vấn đề "đảm bảo quyền", trình tự thủ tục để thực hiện quyền, vai trò trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo quyền của Luật sư vẫn còn thiếu sót, mâu thuẫn, khó áp dụng, dẫn đến Luật sư vẫn bị làm khó trong quá trình hành nghề, đặc biệt là trong quá trình tham gia tố tụng. Hoạt động hành nghề Luật sư trong giai đoạn xác minh tin báo vào giai đoạn điều tra vụ án hình sự vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những vụ án kêu oan, những vụ án phức tạp hoặc khi những vụ việc có dấu hiệu, biểu hiện tiêu cực.

Ngoài ra, chưa có cơ chế cụ thể để đảm bảo các quyền của Luật sư, chưa có những chế tài, những biện pháp để xử lý đối với các cán bộ, cơ quan, tổ chức trong việc cản trở hoạt động hành nghề Luật sư dẫn đến nhiều cán bộ, cơ quan, tổ chức vẫn làm quyền, vi phạm quyền hành nghề Luật sư, gây bức xúc trong dư luận.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật ở nhiều nơi, nhiều lúc chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến ý thức tôn trọng pháp luật, sử dụng pháp luật trong đó có sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư ở nhiều địa phương, nhiều khu vực chưa tốt dẫn đến những hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, các hành vi vi phạm pháp luật còn diễn ra phổ biến.

Chưa có chính sách riêng, định hướng, chiến lược phát triển lâu dài đối với nghề nghiệp Luật sư. Sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động nghề nghiệp Luật sư vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Luật sư đối với hoạt động cải cách tư pháp cũng như đối với sự phát triển của xã hội. Các bạn trẻ theo nghề Luật sư ngay từ khi tốt nghiệp đại học đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích lũy kinh nghiệm và thu nhập. Phần lớn các Luật sư trẻ đều khó khăn về tài chính và ít có cơ hội được cọ xát, tiếp xúc với các dịch vụ pháp lý dẫn đến việc theo nghề, xây dựng, thực hiện ước mơ, lý tưởng hành nghề Luật sư của nhiều người gặp khó khăn, nhiều bạn trẻ đã phải rẽ ngang, bỏ cuộc.

Bởi vậy, để phát triển nghề nghiệp Luật sư tương xứng với vai trò và vị thế trong xã hội thì cần phải thực hiện một số các giải pháp như:

- Cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa của đảng và nhà nước đối với hoạt động hành nghề Luật sư. Cần phải có những chính sách cụ thể, chiến lược lâu dài đối với việc xây dựng đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp, chuyên sâu đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế. Đảm bảo vệ chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hỗ trợ về kinh tế, tài chính, đặc biệt là trụ sở làm việc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn Luật sư để nâng cao vị thế, vai trò của Luật sư đối với xã hội;

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật từ luật Luật sư, các văn bản pháp luật về tố tụng và các quy định khác có liên quan để đảm bảo ghi nhận đầy đủ quyền cũng như các biện pháp đảm bảo thực hiện quyền của Luật sư trong quá trình hành nghề;

- Cần có chiến lược lâu dài để xây dựng đội ngũ Luật sư ngày càng chuyên nghiệp, có chuyên môn sâu, có kỹ năng kinh nghiệm tốt, sử dụng thành thạo ngoại ngữ để hội nhập kinh tế quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, yêu cầu trong hoạt động tố tụng;

- Cần xây dựng các quỹ tài năng để thu hút các Luật sư trẻ có cơ hội phát triển nghề nghiệp, tăng cường đào tạo bồi dưỡng chất lượng cho Luật sư đặc biệt là Luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế;

- Cần phải xây dựng các cơ chế phối hợp, các quy định pháp luật rõ ràng để làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có hành vi cản trở hoạt động nghề nghiệp Luật sư;

- Các Luật sư cần có ý thức trong việc xây dựng hình ảnh, đạo đức nghề nghiệp Luật sư để nâng cao vị thế vai trò của Luật sư đối với xã hội;

- Đặc biệt là nâng cao vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các địa phương để đảm bảo công tác quản lý Luật sư cũng như là các đầu mối huy động trí tuệ, năng lực của Luật sư phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội. Hoạt động bảo vệ quyền lợi Luật sư được quan tâm chú trọng và thực hiện tốt hơn để đảm bảo quyền hành nghề Luật sư cũng như phát huy vai trò, uy tín của Luật sư đối với xã hội.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Bài phát biểu của Luật sư tại phiên tòa hướng đến những nhóm chủ thể nào?