/ Bút ký Luật sư
/ Đóng góp của Luật sư đối với các hoạt động xã hội

Đóng góp của Luật sư đối với các hoạt động xã hội

19/12/2021 10:08 |

(LSVN) – Có thể nói, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp (bao gồm công tác xã hội của Luật sư) đã và đang góp phần đa dạng hoá các lĩnh vực công tác xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của hoạt động công tác xã hội và đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với vấn đề này, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.

Ảnh minh họa. 

Theo định nghĩa về công tác xã hội được đưa ra bởi Hiệp hội Công tác xã hội quốc tế vào năm 2014: “Công tác xã hội là một ngành nghề dựa trên thực hành và một lĩnh vực nhằm thúc đẩy thay đổi và phát triển xã hội, gắn kết xã hội, trao quyền và giải phóng mọi người. Các nguyên tắc trọng tâm của nghề công tác xã hội là công bằng xã hội, quyền con người, trách nhiệm tập thể, và tôn trọng sự đa dạng. Dựa trên các cơ sở là lý thuyết về công tác xã hội, khoa học xã hội, nhân văn học và tri thức bản địa, nghề công tác xã hội khuyến khích sự tham gia của người dân và các cơ quan tổ chức nhằm giải quyết những khó khăn trong đời sống và nâng cao phúc lợi của mọi người”.

Theo Dự thảo Luật Công tác xã hội, công tác xã hội được hiểu là “các hoạt động phòng ngừa, can thiệp - trị liệu, phục hồi chức năng và hỗ trợ cá nhân, nhóm, gia đình và phát triển cộng đồng; đồng thời thúc đẩy tạo lập môi trường xã hội, chính sách, nguồn lực và dịch vụ góp phần bảo đảm an sinh xã hội và hạnh phúc của người dân”.

Công tác xã hội được thực hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội khác nhau. Trong đó, công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp (bao gồm công tác xã hội của Luật sư) là một phần của công tác xã hội, góp phần đa dạng hoá các lĩnh vực công tác xã hội, nâng tính chuyên nghiệp của hoạt động công tác xã hội, đề cao sự tôn trọng của xã hội đối với vấn đề này, nhất là trong lĩnh vực tư pháp.

Luật sư tham gia công tác xã hội chủ yếu ở hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Luật sư, Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, theo Điều lệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Quyết định số 112/QĐ-BTV ngày 18/10/2010 của Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam về thực hiện nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư và Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Một trong những nghĩa vụ của Luật sư là thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý theo Điều 21 Luật Luật sư. Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định tại quy tắc 4.2: “Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý bằng sự tận tâm, vô tư và trách nhiệm nghề nghiệp như đối với các vụ việc có nhận thù lao”. Hoạt động trợ giúp pháp lý là hoạt động vì người dân, người nghèo, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền, giới Luật sư đã góp phần phát huy uy tín, truyền thống của Luật sư Việt Nam, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Luật sư không nhận thù lao khi trợ giúp pháp lý, hoạt động này được các Luật sư thực hiện từ cái tâm của mình.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, vinh danh, tạo điều kiện để Luật sư tham gia trợ giúp pháp lý nhằm thu hút nhiều Luật sư có kinh nghiệm, trình độ, bản lĩnh nghề nghiệp thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngày 28/12/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ký ban hành Quy chế phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam về hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư. Đây là văn bản quan trọng để tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc quản lý Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật trợ giúp pháp lý và pháp luật Luật sư nhằm cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý kịp thời, bảo đảm chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý.

Các hình thức trợ giúp pháp lý của Luật sư bao gồm tham gia phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người có yêu cầu trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng cho người có yêu cầu. Cụ thể, có thể thấy vai trò của Luật sư trong công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí thể hiện cụ thể trên các nội dung chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã trực tiếp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người yếu thế khác bằng các hình thức khác nhau như tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí được thực hiện trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật như hình sự, dân sự, hành chính, lao động, hôn nhân, gia đình và các lĩnh vực pháp luật khác liên quan trực tiếp đế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Qua đó, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã giúp họ hiểu biết pháp luật đầy đủ hơn, biết được các quyền, nghĩa vụ cũng như trực tiếp giúp họ bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp được pháp luật quy định. Đặc biệt, qua hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí của Luật sư, người nghèo và đối tượng yếu thế khác còn biết lựa chọn các hành vi ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật, qua đó góp phần bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng tư pháp giữa các tầng lớp nhân dân không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội trong tiếp cận và thực hiện pháp luật.

Thứ hai, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã trực tiếp tham gia vào công tác truyền thông, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân; góp phần hỗ trợ công tác thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, thực thi dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Điểm mạnh của việc tuyên truyền pháp luật do Luật sư thực hiện là nội dung tuyên truyền với chủ đề gần gũi và hướng dẫn áp dụng pháp luật phong phú. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong công tác hành nghề, Luật sư thường nêu các tình huống thường gặp trong cuộc sống khi tuyên truyền pháp luật nên hiệu quả rất thiết thực. Trong đó, các tình huống về đất đai, thừa kế, hôn nhân gia đình được nhiều người dân quan tâm vì gắn liền với đời sống và rất thường gặp. Đoàn Luật sư đã kết hợp với Hội Phụ nữ, Hội Luật gia tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật đến đông đảo người dân, hội viên Hội Phụ nữ.

Trong nhiều năm qua, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật đến trường học. Đối tượng tuyên truyền là hàng nghìn em học sinh cấp 2, cấp 3 tại các trường thuộc thành phố Hà Nội. Bên cạnh việc tuyên truyền kiến thức pháp luật Luật Trẻ em, Bộ luật Hình sự về các tội cố ý gây thương tích, tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông, Luật sư còn khéo léo lồng các kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng sử dụng thông tin trên mạng theo Luật An ninh mạng để các em có ứng xử phù hợp theo quy định pháp luật.

Thứ ba, các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư đã hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong thực thi pháp luật; góp phần làm sáng tỏ các tình tiết khách quan của vụ việc; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vụ việc được chính xác, khách quan, công bằng và đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; phòng ngừa, hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chế độ công vụ dẫn đến sai sót, oan sai, phải bồi thường thiệt hại hoặc dẫn đến tình trạng khiếu kiện, tố cáo kéo dài gây mất ổn định trật tự an toàn xã hội; giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất tạo ra của cải cho xã hội; tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ.

Thứ tư, qua hàng ngàn vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nghèo và các đối tượng yếu thế khác đã được các Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư thực hiện, đã giúp các đối tượng này được tiếp cận hệ thống pháp luật cũng như tiếp cận công lý một cách bình đẳng như các chủ thể khác, góp phần hỗ trợ thực thi pháp luật, bảo vệ pháp luật, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cũng như các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Như vậy, trách nhiệm xã hội của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư đối với công tác xã hội nói chung và công tác trợ giúp pháp lý nói riêng ngày càng được khẳng định trong thực tế xã hội hiện nay và để thực hiện tốt công tác trợ giúp pháp lý của Luật sư cần tăng cường hơn nữa sự hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước liên quan.

Danh mục tham khảo

1. Vai trò của Luật sư trong tiến trình đổi mới công tác trợ giúp pháp lý

 https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1891

2. Công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp - Thực trạng và giải pháp

 https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cong-tac-xa-hoi-trong-linh-vuc-tu-phap-thuc-trang-va-giai-phap-569152.html

3. Hoạt động trợ giúp pháp lý - trách nhiệm xã hội nâng cao vị thế Luật sư

/hoat-dong-tro-giup-phap-ly-trach-nhiem-xa-hoi-nang-cao-vi-the-luat-su.html

Luật sư NGUYỄN THỊ ĐINH HƯƠNG

Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Nghề Luật sư ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai

Lê Minh Hoàng