/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: Quy định mới về điều kiện đối với nhà đầu tư

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN: Quy định mới về điều kiện đối với nhà đầu tư

24/07/2022 03:33 |

(LSVN) - Ngày 28/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2022/NĐ-CP (Nghị định 32/2022) quy định về quản lý khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT). Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2022, thay thế cho Nghị định 82/2018/NĐ-CP (Nghị định 82/2018) ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và KKT.

So với Nghị định 82/2018, Nghị định 35/2022 được xây dựng hoàn thiện hơn, bộc lộ rõ tính ưu việt khi các quy định được xác định phù hợp với thực tế, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp (đầu tư hạ tầng, thành lập KCN...).

Nghị định 35/2022 đã hoàn thiện điều kiện đầu tư hạ tầng KCN phù hợp với quy hoạch, tỷ lệ lấp đầy KCN, quy mô KCN, địa điểm, loại hình KCN, năng lực của nhà đầu tư, tiến độ thu hút đầu tư, có khả năng đáp ứng các điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về lâm nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan...

Đặc biệt, Nghị định 35/2022 quy định chi tiết về một số mô hình mô hình phát triển KCN, trong đó nổi bật là KCN sinh thái với các chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển và thủ tục thành lập, chứng nhận KCN sinh thái. Qua đó góp phần thắp sáng niềm tin và tạo nhiều động lực để các chủ đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp KCN tiến gần đến mục tiêu xây dựng KCN sinh thái, đồng thời thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp, sản xuất sạch hơn.

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN là dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại KCN và cho các nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất để xây dựng nhà xưởng, văn phòng, kho bãi, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng, thực hiện dự án đầu tư, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Về điều kiện đối với nhà đầu tư, khoản 2 Điều 10 Nghị định 35/2022 quy định: “Trường hợp chọn áp dụng đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thì các tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN bao gồm:

- Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực của nhà đầu tư được xây dựng trên cơ sở các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này.

- Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhà đầu tư được xây dựng trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án; chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức của nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án.

- Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật được xây dựng trên cơ sở nội dung quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại được xây dựng trên cơ sở nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN của cấp có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất”.

Như vậy là có 04 nhóm tiêu chuẩn đánh giá để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, bao gồm: tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, tiêu chuẩn đánh giá về tài chính - thương mại.

Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 35/2022 quy định về tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm của nhà đầu tư. Đây là một tiêu chuẩn được đánh giá, kiểm tra, xây dựng trên cơ sở quy mô diện tích, tiến độ thực hiện, tình hình thực hiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN hoặc dự án bất động sản khác mà nhà đầu tư đã thực hiện hoặc đã góp vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án. Ngoài ra, quy định này còn mở rộng “phạm vi” xác định kinh nghiệm của nhà đầu tư với việc có thể đánh giá, xác định kinh nghiệm của nhà đầu tư thông qua kinh nghiệm hoặc đã góp vốn thực hiện của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông sáng lập là tổ chức của nhà đầu tư trong những dự án tương tự. Có thể thấy rằng, đây là một điểm mở tích cực và rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng KCN. Theo đó, các doanh nghiệp mới thành lập hoặc chưa từng trực tiếp thực hiện dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng công nghiệp hoặc dự án bất động sản vẫn có thể tham gia “cuộc chơi” và được coi là “có kinh nghiệm” nếu chủ sở hữu (đối với công ty TNHH một thành viên), thành viên góp vốn (đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên) hoặc cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần) là tổ chức đã từng thực hiện hoặc góp vốn thực hiện dự án tương tự. Tuy nhiên, việc xem xét, đánh giá mức độ phù hợp về kinh nghiệm của nhà đầu tư với từng dự án cụ thể cần phải được cụ thể hóa để bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Luật sư NGUYỄN VĂN THẮNG

Văn phòng Luật sư ATK

Vi phạm hợp đồng theo quy định của Luật Thương mại 2005 và Bộ nguyên tắc PICC

Lê Minh Hoàng