Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) - 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'

30/10/2021 02:44 | 2 năm trước

(LSVN) - Những ngày qua tại nghị trường Quốc hội, các đại biểu tranh luận khá sôi nổi về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Câu chuyện kiểm duyệt, thẩm định khi cấp phép phổ biến tác phẩm điện ảnh vẫn luôn là đề tài được đặc biệt quan tâm.

Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế kiểm duyệt hiện hay đã và đang “gây khó dễ” cho các nhà làm phim, việc kiểm duyệt thiên về cảm tính hơn lý tính, vô hình trung làm mất đi động lực sáng tạo của người nghệ sĩ. Quốc hội phải tìm ra điểm cân bằng hợp lý giữa: (i) một bên là quyền tự do sáng tạo của nghệ sĩ mà đằng sau đó là động lực phát triển và khả năng cạnh tranh của nền điện ảnh nước nhà và (ii) giới hạn của đạo đức xã hội và trật tự công cộng. Đây là nhiệm vụ quan trọng và vô cùng khó khăn bởi lẽ công việc lập pháp (làm luật) không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Nói rõ hơn, về phương diện khoa học, làm luật phải chính xác, còn về góc độ nghệ thuật, làm luật là một sự sáng tạo. Nhà làm luật quan sát hiện tượng rồi sáng tạo ra luật pháp để áp dụng trong thực tiễn xã hội. Vậy đâu là điểm “bất biến” để các nhà lập pháp “ứng vạn biến” trong quá trình lập pháp?

Bất biến

Chúng ta biết rằng Hiến pháp là đạo luật cao nhất của một quốc gia. Xét về nội dung Hiến pháp là những quy tắc pháp lý có tính cách hiến định quan trọng nhất mà bất kỳ bộ luật hay đạo luật nào khi ban hành đều phải tuân theo. Không quy định pháp luật nào được trái với các nguyên tắc hiến định. Các nguyên tắc hiến định là kim chỉ nam cho mọi hoạt động lập pháp, không đạo luật nào được đứng trên hiến pháp. 

Trở lại dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), cái bất biến ở đây chính là các nguyên tắc hiến định trong Hiến pháp 2013 về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), Quyền sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa (Điều 41) và Quyền được bảo hộ sở hữu trí tuệ (Điều 62).

Thật vậy, các quyền con người, quyền tự do sáng tạo nghệ thuật về phương diện pháp lý đó là các quyền nhân thân được hiến định, do đó bất luận lý do gì các đạo luật bên dưới không được triệt tiêu các quyền này của công dân. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013). Riêng đối với nguyên tắc hiến định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đã được Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành (Luật SHTT) cụ thể hóa, theo đó, tác phẩm nghệ thuật được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả (khoản 4 Điều 19 Luật SHTT). 

Ngoài ra, một nguyên tắc được hầu hết các quốc gia công nhận trong quá trình lập pháp đó là hiệu lực bất hồi tố của luật pháp. Nghĩa là luật chỉ có hiệu lực về tương lai mà không có hiệu lực về quá khứ. Nguyên tắc bất hồi tố bao hàm hai ý niệm: các quyền thủ đắc và các kỳ vọng. Theo đó, luật pháp không thể xâm phạm vào quyền thủ đắc của bất kỳ cá nhân hay pháp nhân nào, còn nếu chỉ mới là một kỳ vọng thì đạo luật mới ban hành được áp dụng ngay, vì sự áp dụng luật mới trong trường hợp này không làm hại đến quyền lợi của ai cả.

Việc một vị Đại biểu Quốc hội đưa ra ý kiến đề nghị “Rút giấy phép phim nếu nghệ sĩ vi phạm đạo đức, luật pháp” xem ra không ổn, bởi khi tham gia đóng phim người  nghệ sĩ ấy là người không vi phạm luật pháp và rút giấy phép phim nếu nghệ sĩ vi phạm luật pháp là tước đi quyền thủ đắc (quyền đã được cấp phép, quyền đã được phổ biến hợp pháp của bộ phim) và xâm phạm đến lợi ích của chủ sở hữu phim. Điều này có nghĩa là trước khi luật mới được ban hành, giữa người nghệ sĩ và nhà sản xuất phim đã hợp tác sản xuất hoàn tất bộ phim một cách hợp pháp theo luật cũ, đây là một quyền thủ đắc. Còn sau ngày ban hành luật, giữa người nghệ sĩ và nhà sản xuất phim mới có ý định hợp tác sản xuất, đây chỉ là một kỳ vọng và như thế khi hợp tác hai bên phải tuân thủ những quy định của luật mới ban hành. Do đó sẽ phù hợp hơn, nếu vị đại biểu quốc hội đề nghị sửa đổi luật theo hướng các nhà sản xuất phim không được mời nghệ sĩ tham gia đóng phim nếu nghệ sĩ ấy đang trong thời hạn bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chế tài bởi các hành vi vi phạm luật pháp hay đạo đức nghề nghiệp.

Ứng vạn biến

Theo Luật Điện ảnh hiện hành, việc cấp phép phổ biến phim, quyết định phát sóng phim trên truyền hình được thực hiện dựa trên ý kiến của Hội đồng thẩm định phim. Cụ thể, Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá phim trên tiêu chuẩn không vi phạm các điều cấm tại Điều 11. Nếu nội dung phim có vi phạm thì phải lược cắt một hoặc nhiều cảnh, phải sửa chữa lời thoại; nếu không sửa được thì không cho phép phát sóng. 

Ở góc độ quản lý nhà nước, những quy định về thẩm định phim trước khi cấp phép phổ biến là nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng, thuần phong mỹ tục và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, hành lang pháp lý của công tác thẩm định phim chưa được rõ ràng, luật hiện hành không cụ thể, không chi tiết về tiêu chuẩn thẩm định. Do đó  việc xác định vi phạm, cách thức cắt xén, chỉnh sửa đều do Hội đồng thẩm định quyết định mà một khi không có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể thì khuynh hướng cảm tính vẫn luôn lấn át lý tính. Thực tế, nội dung góp ý dự thảo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ghi nhận phản ánh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh về việc có nhiều yêu cầu chỉnh sửa phim của hội đồng thẩm định phim bị cho là thái quá, can thiệp sâu vào nội dung của bộ phim trên phương diện nghệ thuật và thương mại việc này vô hình trung vi phạm vào quyền được bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm theo Luật SHTT. 

So sánh dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Điện ảnh hiện hành, cho thấy dự thảo đã có nhiều quy định rõ ràng hơn, tiến bộ hơn như luật sửa đổi sắp tới sẽ cụ thể hóa nội dung các điều cấm trong hoạt động điện ảnh và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Điểm mới và khá quan trọng là dự thảo sửa đổi đã bổ sung điều khoản về phân loại phim. Theo đó sẽ có 6 cấp độ: (a) Loại P: Phim được phép phổ biến đến mọi độ tuổi người xem; (b) Loại T18: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên;(c) Loại T16: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; (d) Loại T13: Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; (đ) Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; (e) Loại C: Phim không được phép phổ biến. Hội đồng thẩm định phim theo luật sửa đổi sẽ được gọi là Hội đồng thẩm định và phân loại phim.

Tuy nhiên, điều mà các nhà sản xuất phim quan tâm đó là các quy chuẩn để thẩm định và phân loại thì dự thảo luật sửa đổi vẫn bỏ ngỏ. Và cũng như luật hiện hành, dự thảo sửa đổi vẫn giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Và liệu rằng quy chế này sẽ đưa ra bộ tiêu chuẩn như thế nào để thẩm định và phân loại? Vì vậy với “cái bất biến” hiến định cũng như với những nguyên tắc lập pháp theo chuẩn mực quốc tế. Vấn đề “ứng vạn biến” như thế nào để cân bằng được mục đích quản lý nhà nước, quyền tự do sáng tạo và quyền được bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm là điều các nhà lập pháp, lập quy cần phải hướng đến để tránh được sự tùy tiện, cảm tính làm ảnh hưởng đến sức sáng tạo cũng như cản trở sự phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Luật sư Lê Quang Vy, Công ty Luật GV Lawyers.

Kinh nghiệm một số nước và giải pháp cho Việt Nam

Hàn Quốc, hiện nay được xem là một quốc gia châu Á có nền điện ảnh phát triển. Trước đây, luật pháp Hàn Quốc cho phép kiểm duyệt phim để bảo vệ giá trị đạo đức xã hội. Điều này đã khiến ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc khi đó bị kiểm soát chặt chẽ và mang tính trói buộc. Tuy nhiên kể từ khi Luật Xúc tiến quảng bá phim (Film Promotion Law) được sửa đổi vào năm 1999, nền điện ảnh Hàn Quốc bước vào giai đoạn rộng mở. Việc kiểm duyệt được bãi bỏ khi Hội đồng phim Hàn Quốc (Korean Film Council) được thành lập với mục đích tôn trọng sự tự do trong nền công nghiệp điện ảnh và góp phần thúc đẩy sự hiệu quả của các chính sách điện ảnh.

Tại Hoa Kỳ, vào thời kỳ đầu của ngành điện ảnh, Tòa án Tối cao cho rằng trình chiếu các sản phẩm điện ảnh là hoạt động thương mại thuần túy, vì lợi nhuận như các ngành khác. Vì vậy, sản phẩm điện ảnh không được xem là sự thể hiện quan điểm của một bộ phận công chúng, không được hưởng quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, vào năm 1952, cùng với sự phát triển của ngành điện ảnh, Tòa án Tối cao đã thay đổi quan điểm khi cho rằng phim điện ảnh được sử dụng để phản ánh và gây ảnh hưởng lên quan điểm công chúng, để truyền tải ý tưởng – một hành vi được bảo vệ theo Tu chính án thứ nhất về quyền tự do ngôn luận. Như vậy, cả nền điện ảnh Hàn Quốc và Hoa Kỳ đều trải qua giai đoạn kiểm duyệt phim một cách tiêu cực mà đến nay đã cởi mở hơn theo hướng đề cao sự tự do sáng tạo và tự do ngôn luận. 

Quay lại bối cảnh pháp luật Việt Nam, sự tự do sáng tạo trong nghệ thuật cần được tôn trọng, nhưng chúng ta không thể học tập Hàn Quốc hay Hoa Kỳ một cách rập khuôn, loại bỏ việc thẩm định phim trước khi cấp phép. Bởi vì một nghệ sĩ cũng là một công dân, việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ đều được chi phối bởi các luật do Quốc hội ban hành à và các chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Để dung hòa khía cạnh quản lý nhà nước và khía cạnh quyền con người, quyền nhân thân của tác giả, quyền lợi của các nhà sản xuất phim, Luật Điện ảnh cần phải quy định rõ ràng, các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá cụ thể để Hội đồng thẩm định phim có căn cứ pháp lý kiểm duyệt, phân loại phim. Các tiêu chuẩn, tiêu chí này phải đảm bảo không vi phạm quyền sáng tạo văn hóa, nghệ thuật của cá nhân, không xâm phạm quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác giả. Tiếp đến, cần có một cơ chế để nhà sản xuất, tác giả của phim điện ảnh có thể chất vấn, khiếu nại những đánh giá, quyết định của Hội đồng thẩm định phim khi cho rằng việc thực thi quyền lực nhà nước đang xâm phạm đến quyền của họ mà luật pháp bảo hộ.

Luật sư LÊ QUANG VY

Công ty Luật GV Lawyers

Vi phạm hợp đồng và trách nhiệm hình sự hậu Covid-19