Giải pháp đầu tiên được Bộ Tài chính đưa ra là điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh. Theo quy định của Luật Thuế TNCN năm 2007, thu nhập từ kinh doanh cũng được áp dụng các khoản giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, đối với hộ, cá nhân kinh doanh, quy trình tính thuế này là phức tạp do đại bộ phận hộ, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, không xác định được chi phí, thu nhập chịu thuế nên cơ quan thuế phải thực hiện ấn định thu nhập, sau đó lại xác định thu nhập tính thuế dựa trên cơ sở giảm trừ gia cảnh để áp dụng biểu thuế lũy tiến từng phần như cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật Thuế (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2015) quy định: Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống, không phải nộp thuế TNCN. Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế TNCN theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Để phù hợp với sự biến động của giá cả, thống nhất với ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng của cá nhân kinh doanh đang được đề xuất sửa đổi (tại dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về mức doanh thu chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh và giao Chính phủ quy định mức cụ thể).
Theo đó, quy định này cũng cần được cập nhật để bổ sung tại Luật Thuế TNCN đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trên cơ sở kế thừa đầy đủ quy định tại dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.
Yếu tố thứ 2, Bộ Tài chính tính đến việc sửa đổi, bổ sung quy định về doanh thu để thống nhất với các pháp luật liên quan. Đối với hoạt động kinh doanh của cá nhân, việc xác định doanh thu cần rà soát để đảm bảo thống nhất, tương đồng với các pháp luật liên quan, nhất là pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Giải pháp thứ 3 được cân nhắc là quy định cụ thể mức thuế suất đối với một số khoản thu nhập từ hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số.
Luật số 71/2014/QH13 quy định: Đối với hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm nộp thuế TNCN theo tỷ lệ ấn định trên doanh thu theo từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Quy định này đảm bảo chính sách đơn giản, rõ ràng, minh bạch, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế, tính tuân thủ pháp luật thuế của các hộ, cá nhân kinh doanh, tiết kiệm chi phí tuân thủ thuế cho người nộp thuế và cơ quan thuế.
Theo Bộ Tài chính mặc dù quy định thu thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu, không tính trừ chi phí và các khoản giảm trừ nhưng mức tỷ lệ được xây dựng đã tính toán phù hợp hoạt động kinh doanh của cá nhân tương ứng với từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh và thấp hơn tỷ lệ trên doanh thu đang áp dụng đối với doanh nghiệp không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh.
Quá trình thực hiện có ý kiến cho rằng tỷ lệ thuế TNCN trên doanh thu cần được tính toán, điều chỉnh lại cho phù hợp với đặc điểm của một số loại thu nhập, hoạt động kinh doanh đặc thù như hoạt động cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số.
Hiện, TNCN từ các hoạt động này đang chịu sự điều tiết như một số khoản thu nhập khác, trong khi đây là những khoản thu nhập có tính chất đặc thù nên cần có mức thuế suất phù hợp để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, sự thống nhất của hệ thống chính sách thuế, đảm bảo phát huy được vai trò điều tiết, phân phối lại của chính sách thuế TNCN trong hệ thống thuế.