Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Trước đó, thảo luận nghị quyết, một số đại biểu nêu có nhiều trường hợp không đúng đối tượng tiếp nhận, thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội như quy định.
Trong nghị quyết này, Quốc hội chỉ ra quản lý nhà nước về nhà ở xã hội vẫn còn hạn chế, bất cập. Việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách, thẩm định giá nhà ở xã hội còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiếp cận nhà ở xã hội của người dân và chu kỳ đầu tư, thu hồi vốn, trả lãi ngân hàng của chủ đầu tư. Đặc biệt vẫn còn tình trạng người mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng thụ hưởng. Từ đó, Quốc hội giao Chính phủ chú trọng kiểm tra, thanh tra về chất lượng nhà ở xã hội, việc xét duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Nghị quyết nêu rõ bên cạnh kết quả đạt được, hệ thống pháp luật về nhà ở xã hội có hiệu lực thi hành trong giai đoạn 2015 - 2023 còn thiếu tính ổn định. Một số quy định về nhà ở xã hội chưa được hướng dẫn cụ thể, còn mâu thuẫn, chồng chéo gây vướng mắc cho việc thi hành. Các quy định còn phức tạp, còn có cách hiểu khác nhau, cần hướng dẫn nhiều lần, nhất là đối với việc áp dụng các quy định chuyển tiếp.
Bên cạnh đó, nhiều mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 không đạt được. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, giá bán cao, các quy định về điều kiện để tiếp cận chính sách đối với người dân còn phức tạp, khó khả thi. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội còn thấp; quy trình, thủ tục cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn phức tạp, trùng lặp.
Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội của các ngân hàng thương mại nhà nước tỉ lệ giải ngân chưa cao, chưa đủ hấp dẫn, chưa phát huy tác dụng trong việc thu hút, khuyến khích chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội tiếp cận gói tín dụng này.
Để khắc phục những bất cập kể trên, Quốc hội giao Chính phủ ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở và quy hoạch sử dụng đất của địa phương trong từng thời kỳ. Khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch có liên quan, cần xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội.
Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội như nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội. Nghiên cứu thành lập hoặc thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội… theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội.