/ Góc nhìn
/ Chỉ cấm cái có thể và nhất thiết phải cấm

Chỉ cấm cái có thể và nhất thiết phải cấm

24/11/2024 21:20 |

(LSVN) - Tư duy “cấm khi không quản được” bắt nguồn từ thói quen áp đặt ý kiến chủ quan của mình cho người khác. Nhưng không thể cấm cái không thể hay không nhất thiết phải cấm! Bởi việc áp đặt ý kiến chủ quan, duy ý chí chắc chắn thất bại – ước muốn trái với lẽ tự nhiên không thể đi vào cuộc sống. Công cuộc đổi mới đất nước ta mấy chục năm qua đã chứng minh chân lý này.

Vấn đề ở chỗ, cái khó nghiêm trọng và lâu dài nằm chính ờ việc khó từ bỏ những thói quen đã hằn sâu trong đời sống dân cư và công chức trong bộ máy công quyền. Bởi lẽ, từ lâu chuyện từ bỏ thật quá khó, nhất là từ bỏ những tập quán, lề thói đã hằn sau trong đời sống kinh tế - xã hội từ thuở xa xưa.

Một thời, dân gian đã đặt thành câu thành ngữ “ngăn sông, cấm chợ” để phản ánh nỗi kinh hoàng khi dòng mạch lưu thông kinh tế bị ngăn cản. Thị trường cần lưu thông thông suốt, mua bán tấp nập, ngược xuôi thì sản xuất và tiêu dùng mới phát triển bình thường được. Nhưng nay, đường lối kinh tế thị trường đã thành chủ trương nhất quán, thì mọi chính sách, pháp luật đều hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chính vì thế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trước hết là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, "dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ đó, phải tránh bệnh lạm dụng điều chỉnh – tức là việc sử dụng các quy định pháp luật để can thiệp quá mức vào các hoạt động của cá nhân hoặc tổ chức, vượt quá mục tiêu cần thiết, gây cản trở quyền tự do hoặc gây thiệt hại không đáng có cho các đối tượng bị điều chỉnh nói riêng và cả xã hội nói chung.

Thực tế có bao chuyện đau xót và bi kịch từ hệ lụy sử dụng mạng xã hội, nhưng cấm mạng xã hội là không thể. Thương mại điện tử nở rộ ngày nay gây khó cho quản lý về thuế rất nhiều. Nhưng cấm thương mại điện tử là phi lý! Dĩ nhiên, cái nhất thiết phải cấm thì phải cấm để loại trừ hậu quả nghiêm trọng về trật tự, an toàn xã hội. Cấm nồng độ còn khi điều khiển phương tiện giao thông là ví dụ điển hình về điều này.

Hơn cả năm nay, câu chuyện về nồng độ cồn rộ lên trên công luận và ngay tại diễn đàn kỳ họp Quốc hội cũng chỉ bởi chuyện từ bỏ quá khó này. Riêng Báo Thanh Niên, chỉ cần nhấp vào chữ “nồng độ cồn” đã hiện ra khoảng ba chục bài báo về nội dung này. Không chỉ tại diễn đàn Quốc hội mà ngoài xã hội cũng bàn cãi sôi sục về chuyện này. 

Tranh cãi 'vô hồi kỳ trận' quanh chuyện từ bỏ tập quán, thói quen gặp là phải vui, phải có rượu, dù là lễ tết hay ngày thường. Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chốt lại: “Cấm tuyệt đối nồng độ cồn để bảo vệ giống nòi” (Báo Thanh Niên ngày 22/05/2024). Và rồi, tại kỳ họp mới đây, Quốc hội phải tổ chức bỏ phiếu biểu quyết 02 phương án cấm tuyệt đối và không tuyệt đối nồng độ cồn. Ngày 27/6, tiếp tục Kỳ họp 7 khóa XV, với 388/450 Đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (có hiệu lực kể từ 01/01/2025) trong đó có quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Riêng một điều đó thôi cho thấy, chuyện từ bỏ thật quá khó. Nhưng đã có bao chuyện về chủ trương “từ bỏ” - từ chuyện rất xa xưa, đến chuyện nóng hổi gần đây – mà kết cục lại vẫn “đâu vào đấy” đó thôi. Từ chủ trương các trường đại học phải “từ bỏ” nội thành chuyển đến khu Hòa Lạc từ mấy chục năm trước, từ thời của cố Thủ tướng Phan Văn Khải; rồi chuyện giãn dân khu phố cổ để ngăn ngừa nguy cơ ách tắc giao thông, đến chuyện kiêng kị quy hoạch “đô thị nén” ở Hà Nội,…

Song, lại chính nhờ sự quyết tâm, kiên trì “từ bỏ” mà nhiều chủ trương phù hợp với quy luật khách quan đã gặt hái được thành công. Công cuộc đổi mới do Đảng ta phát động mấy chục năm qua đã đưa đất nước ta “từ bỏ” được mô hình kinh tế tập trung – quan liêu để chuyển hẳn sang nền kinh tế thị trường; công cuộc cải cách hành chính – tư pháp kéo dài mấy chục năm qua và vẫn đang còn gặp nhiều ghềnh thác phía trước đang giúp ta “từ bỏ” tệ nạn hành chính – quan liêu chuyển hẳn sang mô hình chính phủ điện tử và việc khai trương cổng dịch vụ công trực tuyến mới đây là một bước ngoặt lớn. Nhưng, chuyện từ bỏ cái cũ, cái lạc hậu là chuyện quá khó, khiến Thủ tướng Chính phủ phải đưa ra chủ trương chống “virus trì trệ” đấy thôi.

Chuyện “từ bỏ” ấy càng có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay, khi Tổng Bí thư “ra tay” để gỡ điểm nghẽn thể chế. Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 15 sáng ngày 21/10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh nhiệm vụ "Tập trung gỡ điểm nghẽn thể chế". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu khắc phục những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật đã kéo dài nhiều năm để tránh lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước. Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội còn một số hạn chế cần sớm khắc phục. Trong ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn". Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; chưa tạo môi trường thuận lợi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Ngày nay, đời sống của mỗi cá nhân hay của cộng đồng đều đỏi hỏi sự sáng tạo không ngừng để phát triển, nhờ sự sáng tạo ấy mà ngày nay chúng ta được thụ hưởng biết bao thành tựu của công nghệ.

Trên hành tinh của chúng ta, hiện tại con người không ai có thể rời khỏi tay chiếc điện thoại thông minh – ngay cả khi đi bộ trên đường, khi ăn, khi ngủ,… khiến các nhà sản xuất và nhà mạng luôn bội thu. Ở Việt Nam, một công ty bánh pía ở Sóc Trăng đã dùng robot trong sản xuất thay cho người công nhân, ở nhiều nơi đã xuất hiện các nhà thông minh, khu đô thị thông minh, robot lau nhà,… Người dân trên khắp các vùng miền đang quen dần với việc làm các thủ tục hành chính qua cửa dịch vụ công trực tuyến. Đó là một tất yếu trước sức ép của cách mạng công nghiệp 4.0.

Rõ rệt hơn là công cuộc vận động thanh toán không dùng tiền mặt đã bước vào giai đoạn nước rút, với sự tham gia mạnh mẽ của cả hệ thông ngân hàng, góp phần triệt tiêu nhiều “tệ nạn” kéo theo việc từ bỏ nhiều tập quán, thói quen bất lợi trong đời sống kinh tế - xã hội.

Cũng nhờ thế, mỗi cá nhân, mỗi tổ chức bắt buộc phải từ bỏ lối tùy tiện trong hành xử của mình, từ bỏ những tập quán, thói quen không còn phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0.

Chắc chắn rằng, việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trước hết là chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Thế nên, chuyện từ bỏ tư duy cũ, không còn phù hợp với thời đại hiện nay là chuyện nhỏ và nhất thiết sẽ thành công.

Luật gia, Nhà báo PHAN VĂN TÂN

Các tin khác