/ Góc nhìn
/ Hội chứng vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý

Hội chứng vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý

05/01/2021 18:00 |

LSVNO - Vượt “đèn đỏ” giao thông thì có thể nhìn thấy ngay nhưng vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý thì khó bị phát hiện hơn nhiều và hiện nay là tình trạng khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp cán bộ vượt “đèn đỏ” nhưng vẫn thăng quan, tiến chức như thường.

Đến nhà ông G. được vài phút nhưng vì thấy gia chủ, một giáo sư có tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa đang mải miết, say sưa với việc đo, đánh dấu, cắt gọt làm mô hình đèn giao thông, ông T đành lên tiếng:

- Lạ nhỉ, văn hóa thì liên quan gì đến giao thông cơ chứ?

Ông G. cười, kéo ông T. vào bàn nước và mở lời: Việc xây dựng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương tuy đã có những đổi mới, song hiện nay vẫn đang có những yếu kém, nhất là trong sử dụng, đánh giá cán bộ. Các cơ quan, đơn vị và địa phương chia tách công việc ra quá nhiều tầng nấc, phân cho nhiều người cùng quản lý một công việc nên dẫn đến tình trạng cán bộ “nhàn” quá.

- Nó chẳng liên quan đến cái mô hình đèn tín hiệu giao thông mà ông đang làm, ông T. cắt lời.

- Ấy, ông nghe này! Vì việc ít, vì nhàn, vì lương không đủ sống nên họ tìm cách làm thêm, trong đó làm thêm từ chính công việc được giao là cách đầu tư ít tốn kém nhất, thu lợi nhuận cao nhất. Chính cách “tăng gia” ấy đã trở thành thói quen khó bỏ, lây lan rất nhanh trong bộ máy. Đây chính là gốc, rễ đẻ ra chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực. Tôi làm cái mô hình đèn giao thông là để giảng cho sinh viên hiểu rằng, không được vượt “đèn đỏ” trong công tác quản lý, lãnh đạo.

- Do đâu mà ông lại có ý tưởng lạ đời này, liệu có hiệu quả không? Ông T. thắc mắc.

Ông G. thủng thẳng nói về ý tưởng của mình, rất nhiều người Việt khi tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ, dù biết là nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Ấy nhưng, nó chẳng thấm tháp gì so với vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý.

Ông G. còn phân tích thêm: Hiện tượng vượt “đèn đỏ” trong tham gia giao thông có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là do ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật của người tham gia còn hạn chế, còn vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý thì xuất phát từ nguyên nhân chính là lợi ích cá nhân.

Vượt “đèn đỏ” giao thông thì có thể nhìn thấy ngay nhưng vượt “đèn đỏ” trong lãnh đạo, quản lý thì khó bị phát hiện hơn nhiều và hiện nay là tình trạng khá phổ biến. Thậm chí có trường hợp cán bộ vượt “đèn đỏ” nhưng vẫn thăng quan, tiến chức như thường.

Cứ theo như suy luận của ông G. thì trong xã hội đang tồn tại nhiều hiện tượng vượt “đèn đỏ”. Đây là việc nguy hiểm, vì nó khiến tình trạng tham nhũng trong bộ máy chính quyền tăng lên, gây bất bình đẳng, làm triệt tiêu mất động lực cạnh tranh lành mạnh và gia tăng phân hóa giàu nghèo.

Đặc biệt hơn, tình trạng vượt “đèn đỏ” này sẽ khiến cho niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của Nhà nước ngày càng giảm sút. Chính vì vậy, cần có hình thức xử lý đủ mạnh để tình trạng vượt “đèn đỏ” sẽ không có cơ hội xuất hiện.

Mạnh Thắng(Tạp chí Cộng sản)