Ảnh minh họa.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng nêu rõ một số nội dung lớn cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu tại dự thảo luật như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1).
Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng, Luật này điều chỉnh về các vấn đề liên quan đến quy tắc giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; còn Luật Đường bộ điều chỉnh về các vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành khai thác, sử dụng, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ và vận tải đường bộ.
Đối với lĩnh vực vận tải đường bộ thì Luật này chỉ điều chỉnh đối với một số hoạt động liên quan đến TTATGT trong hoạt động vận tải đường bộ như quy định về nguyên tắc, điều kiện an toàn đối với người lái xe và phương tiện vận tải là phù hợp; còn Luật Đường bộ quy định các nội dung liên quan đến yếu tố kỹ thuật của vận tải đường bộ.
Để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo, Ủy ban QPAN đề nghị tiếp tục rà soát để tách bạch rõ hơn nữa các nội dung liên quan đến vận tải đường bộ được điều chỉnh trong dự thảo Luật TTATGTĐB và dự thảo Luật Đường bộ để điều chỉnh cho phù hợp.
Thứ hai, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8).
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.
Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm như: Bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm; khi có điều kiện mà cố ý không cấp cứu, giúp đỡ người bị tai nạn giao thông; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người bị nạn và người gây tai nạn giao thông…
Ủy ban QPAN đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp; tiếp tục rà soát, sắp xếp các quy định cấm liên quan đến TTATGTĐB để bảo đảm tính thống nhất, logic, tránh trùng lặp với các quy định khác trong dự thảo Luật hoặc trùng lặp với quy định của các luật chuyên ngành khác; nghiên cứu, sắp xếp các hành vi bị nghiêm cấm theo nhóm chủ thể, nội dung cho dễ theo dõi.
Thứ ba, về quy tắc giao thông đường bộ (Chương II).
Ủy ban QPAN thấy rằng, trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật TTATGTĐB đã bổ sung nhiều quy định về quy tắc giao thông liên quan đến ưu tiên, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người già, người khuyết tật; điều chỉnh, bổ sung các quy tắc giao thông cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và sự phát triển của các loại hình giao thông mới hiện nay.
Đây là nội dung lớn, điều chỉnh chung về GTĐB, đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu các ý kiến trên và quy định của Công ước Viên 1968 để hoàn thiện Chương này, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
Thứ tư, về phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương III).
Theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện “Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định” vì cho rằng việc áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông cơ giới là rộng và khó bảo đảm tính khả thi.
Về đấu giá biển số xe ô tô: Một số ý kiến cho rằng, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, tuy thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều nhưng bước đầu đã chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này; do đó, đề nghị sớm được quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến khác đề nghị phải thực hiện đủ thời gian thí điểm để có đầy đủ cơ sở đánh giá, tổng kết và báo cáo, đề xuất Quốc hội hoàn thiện pháp luật tại kỳ họp đầu năm 2026.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về: vận chuyển hàng hóa nguy hiểm tại Điều 42; sử dụng xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng, xe bánh xích để vận chuyển hàng hoá trên đường bộ tại điểm a khoản 3 Điều 47; quy định cụ thể về niên hạn sử dụng xe cơ giới theo nguyên tắc tính về thời gian sử dụng hoặc đến số lượng km nhất định (Điều 37).
Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp. Đối với ý kiến về luật hóa nội dung đấu giá biển số xe ô tô, đề nghị Chính phủ sớm có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội để các vị đại biểu Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Thứ năm, về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ (Chương IV).
Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể hạng giấy phép lái xe ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo tính minh bạch và giá trị pháp lý, tương thích với Công ước viên 1968 và thống nhất với việc phân loại xe cơ giới. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe vì cho rằng trong điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số, khoa học công nghệ ngày càng phát triển thì việc ứng dụng công nghệ số trong xử lý vi phạm giao thông là tất yếu, kể cả việc tính điểm, trừ điểm giấy phép lái xe như một số nước hiện nay đang thực hiện.
Về sát hạch giấy phép lái xe (Điều 53), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quản lý nhà nước sau sát hạch giấy phép lái xe; đồng thời, bổ sung quy định về kiểm tra bất thường đối với công tác đào tạo, sát hạch cấp bằng, phúc tra kết quả sát hạch, cấp giấy phép lái xe để đảm bảo chặt chẽ.
Về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ (Điều 56), một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về thời gian làm việc của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải (không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ) vì sẽ làm tăng chi phí logistic, chi phí lao động của doanh nghiệp, giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đối với các thị trường khác.
Ủy ban QPAN nhận thấy, Chương IV dự thảo Luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật GTĐB năm 2008 và nội luật hóa Công ước Viên 1968; nhiều nội dung đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban QPAN và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 7/2023. Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với dự thảo Luật; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.
Thứ sáu, về tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông (Chương V).
Một số ý kiến đề nghị quy định rõ căn cứ dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; bổ sung quy định việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu an toàn khi tuần tra, kiểm soát về TTATGTĐB; làm rõ thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và quy định cụ thể về điều kiện được áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại Điều 66; bổ sung trách nhiệm của Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, xe quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục chồng chéo nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông giữa lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông hiện nay.
Theo Ủy ban QPAN, các nội dung trong Chương này là mới so với Luật GTĐB năm 2008 và cơ bản nhất trí với nội dung của Chương này. Hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông là nội dung quan trọng của dự thảo Luật, có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, đề nghị rà soát các quy định dưới luật về nội dung này để đưa lên quy định cụ thể ngay trong Luật này hoặc quy định mang tính nguyên tắc và ủy quyền quy định chi tiết cho phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật cho phù hợp.
Thứ bảy, về chỉ huy, điều khiển giao thông (Chương VI).
Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của các từ ngữ “chỉ huy giao thông”, “điều khiển giao thông” tại khoản 1 và khoản 3 Điều 67, đồng thời phân biệt rõ hai hoạt động này; đề nghị rà soát, đối chiếu các nội dung liên quan đến chỉ huy, điều khiển giao thông, báo hiệu đường bộ quy định tại Điều 67 với nội dung quy định tại Điều 10 để đảm bảo tính thống nhất. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn việc sử dụng lòng đường, hè phố vào các mục đích khác tại Điều 69.
Ủy ban QPAN thấy rằng, các nội dung trong Chương này là mới so với Luật GTĐB năm 2008 và cơ bản nhất trí với nội dung của Chương này. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu cho phù hợp.
Thứ tám, về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ (Chương VII).
Có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, luật hóa các quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn GTĐB của lực lượng Cảnh sát giao thông. Có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về giải quyết tai nạn giao thông liên quan đến người nước ngoài hoặc phương tiện của nước ngoài; tai nạn giao thông liên quan đến phương tiện giao thông chở hóa chất độc hại, vật liệu nổ…
Ủy ban QPAN cơ bản nhất trí với nội dung của Chương này và cho rằng việc bổ sung các quy định mới so với Luật GTĐB năm 2008 như vậy là phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, bởi vì công tác giải quyết tai nạn giao thông liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân và liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan cần phải luật hóa để bảo đảm sự thống nhất, bảo đảm quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên có liên quan đến tai nạn giao thông. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến nêu trên để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật cho phù hợp.
Thứ chín, về trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Chương VIII).
Có ý kiến đề nghị rà soát các nội dung ủy quyền quy định chi tiết trong dự thảo Luật (44 nội dung), đối với những nội dung đã chín, đã rõ cần quy định cụ thể hoặc quy định mang tính nguyên tắc trong Luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân. Có ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong dự thảo Luật này và dự thảo Luật Đường bộ để bảo đảm đúng nội dung, lĩnh vực phụ trách, rõ trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp.
Ủy ban QPAN cơ bản tán thành các quy định của Chương VIII; đồng thời, đề nghị nghiên cứu các ý kiến trên để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật.
Luật sư NGUYỄN XUÂN ANH
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Một số ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)