Ảnh minh họa.
Thứ nhất, về bổ sung nội hàm quyền tư pháp tại khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật
Trước đây, khi xây dựng dự thảo Hiến pháp năm 2013 thay thế Hiến pháp năm 1992, được sửa đổi, bổ sung năm 2001, việc quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp có nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, đa số ý kiến thống nhất cần quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Hiến pháp năm 2013 và sau đó nội dung này được thông qua. Theo đó, khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định, “TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Tuy nhiên, Hiến pháp năm 2013 không quy định nội hàm khái niệm quyền tư pháp dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất.
Xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, theo khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013, “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Cho nên, khi pháp luật quy định một cơ quan, hệ thống cơ quan nào đó trong bộ máy nhà nước thực hiện một chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thì không chỉ cơ quan, hệ thống cơ quan đó thực hiện mà cơ quan, hệ thống cơ quan đó phải phối hợp với cơ quan, hệ thống cơ quan khác trong quá trình tổ chức thực hiện. Chẳng hạn, Quốc hội thực hiện chức năng làm luật nhưng Quốc hội không xây dựng dự thảo Luật mà thường do cơ quan khác có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực pháp luật điều chỉnh thực hiện việc xây dựng dự thảo Luật.
Quyền tư pháp có thể được hiểu là việc thực hiện quyền lực nhà nước có gắn chặt với việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Quyền tư pháp do nhiều cơ quan khác nhau đảm trách trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình theo quy định pháp luật nhưng quyền tư pháp được thể hiện tập trung nhất, đầy đủ nhất thông qua việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án. Mặc dù, Hiến pháp năm 2013 quy định Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp nhưng Tòa án không thể tự mình thực hiện quyền này mà có sự phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nội hàm quyền tư pháp trong Dự thảo bao gồm 03 nội dung chính: (1) quyền xét xử, phán quyết về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; (2) những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân và (3) quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Nội hàm này bao quát được cách hiểu về quyền tư pháp và gắn chặt việc thực hiện quyền tư pháp với chức năng xét xử của Tòa án.
Thứ hai, về bổ sung quy định Tòa án có nhiệm vụ “giải thích pháp luật trong xét xử” tại điểm đ khoản 2 Điều 3 và Điều 30 dự thảo Luật
Việc dự thảo Luật bổ sung quy định Tòa án có thẩm quyền “giải thích pháp luật trong xét xử” là rất cần thiết. Bởi vì, hiện nay, Hiến pháp năm 2013 quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật chính thức (2). Tuy nhiên, trên thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất ít thực hiện quyền này. Trong khi đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đang dần được xây dựng hiện đại, tiến bộ nhưng vẫn còn tình trạng quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo. Từ đó, dẫn đến việc thực hiện pháp luật gặp khó khăn, nhất là đứng ở góc độ của người dân.
TAND là cơ quan thực hiện chức năng xét xử, gắn với việc áp dụng pháp luật để giải quyết sự việc cụ thể. Tòa án phải đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề cần giải quyết, kể cả khi quy định pháp luật không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo, có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì lẽ đó, việc quy định Tòa án “giải thích pháp luật trong xét xử” sẽ giúp các bên tham gia vụ việc và người dân biết được yêu cầu của Nhà nước khi đặt ra quy định, qua đó, có sự lựa chọn quy tắc xử sự phù hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ xã hội tương tự hoặc quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của pháp luật được giải thích.
Dự thảo Luật quy định Tòa án “giải thích pháp luật trong xét xử” điều đó có nghĩa Tòa án chỉ giải thích pháp luật gói gọn trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc cụ thể, còn việc giải thích pháp luật với tư cách chủ thể giải thích pháp luật chính thức vẫn thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc bổ sung quy định này sẽ không trái với Hiến pháp năm 2013 ở thời điểm hiện tại.
Nhìn xa hơn, quy định này có thể tạo tiền đề thay đổi cách nhìn về việc giải thích pháp luật trong thời gian tới khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Theo đó, có thể quy định Tòa án thực hiện việc giải thích pháp luật rộng hơn so với chỉ quy định “giải thích pháp luật trong xét xử” và có thể quy định Tòa án thực hiện nhiệm vụ giải thích pháp luật thay cho nhiệm vụ hiện nay được Hiến pháp năm 2013 giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu Hiến pháp quy định theo hướng này thì việc quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích pháp luật ở Việt Nam tiệm cận với quy định chủ thể có thẩm quyền giải thích pháp luật trong hệ thống pháp luật của các quốc tiên tiến hiện nay, hạn chế tình trạng sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật khi văn bản quy phạm pháp luật chứa đựng quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, chồng chéo, có nhiều cách hiểu khác nhau.
Thứ ba, về việc không quy định Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa
Dự thảo Luật bỏ quy định Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa. Việc thay đổi này là hợp lý. Bởi vì, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa nếu phát hiện việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, Tòa án đã thực hiện thẩm quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung để chủ thể buộc tội khắc phục. Đối với việc khởi tố vụ án hình sự, để ban hành quyết định phải qua quá trình thu thập, kiểm tra, đánh giá tài liệu, chứng cứ. Trong khi đó, thời hạn chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa của Tòa án không nhiều và thẩm quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án rất hạn chế so với chủ thể buộc tội. Cho nên, rất khó để Tòa án ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa.
Hơn nữa, Toà án là cơ quan xét xử, là trọng tài đưa ra phán quyết trên cơ sở hồ sơ vụ án do chủ thể buộc tội, diễn biến, quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Tòa án ra quyết định khởi tố vụ án hình sự là thực hiện một phần thẩm quyền của chủ thể buộc tội, không phù hợp với chức năng xét xử, khó đảm bảo sự vô tư, khách quan khi xét xử vụ án do mình khởi tố trước đó. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, mặc dù pháp luật tố tụng quy định nếu qua tại phiên tòa mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm chưa bị xử lý trong cùng vụ án thì Hội đồng xét xử có quyền khởi tố vụ án hình sự nhưng trên thực tế Tòa án thực hiện quyền này rất hạn chế. Đồng thời, sau khi Hội đồng xét xử khởi tố vụ án hình sự thì việc thực hiện nó như thế nào cũng không được theo dõi, phản ánh chặt chẽ, bởi vì, không có cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyết định khởi tố vụ án hình sự của Hội đồng xét xử, trong khi sau khi kết thúc phiên tòa thì Hội đồng xét xử đã khởi tố vụ án hình sự chấm dứt tư cách chủ thể của mình.
Thứ tư, về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án tại Điều 15 dự thảo Luật
Điều 15 dự thảo Luật quy định: 1. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được các bên thu thập, cung cấp, giao nộp, làm rõ tại phiên tòa theo quy định của pháp luật tố tụng và kết quả tranh tụng tại phiên tòa để xét xử. Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. 2. Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính. 3. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật. 4. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu. |
Quy định này là cần thiết, tiệm cận với quy định trong pháp luật tố tụng dân sự của nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển cao, nhất là các nước thuộc dòng họ pháp luật Anh – Mỹ (dòng họ Common law), phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc, bất cập hiện nay mà các Tòa án gặp phải. Hiện nay, về phía đương sự, khi tham gia vụ việc dân sự (theo nghĩa rộng) tại Tòa án, người dân thường có suy nghĩ việc giải quyết vụ án là trách nhiệm của Tòa án nên Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết, họ không có nghĩa vụ, thậm chí một số người am hiểu pháp luật cũng có cùng suy nghĩ đó. Đôi lúc, khi bức xúc với cách thức vi phạm nghĩa vụ của bên còn lại trong quan hệ pháp luật tranh chấp, đương sự lại dồn sự bức xúc đó đến Tòa án, người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án.
Về phía cơ quan có thẩm quyền, khi Tòa án thực hiện công tác phối hợp, đôi khi, cơ quan, người có thẩm quyền không thấy được ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện chức năng xét xử của Tòa án góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội của địa phương mà cho rằng có là nhiệm vụ riêng của Tòa án nên Tòa án phải tự mình tìm cách giải quyết. Họ không phối hợp hoặc phối họp qua loa, chậm trễ. Tuy nhiên, khi vụ án phải tạm đình chỉ, quá hạn, kéo dài thời gian giải quyết thì người dân lại khiếu nại, tố cáo Thẩm phán, Thư ký Tòa án mà không biết rằng Tòa án phải chờ ý kiến phản hồi từ cơ quan, người có thẩm quyền mới giải quyết được vụ án.
Bên cạnh đó, Tòa án là trọng tài phán xét tranh chấp giữa các bên nhưng Tòa án lại thu thập chứng cứ rồi sau đó xét xử theo chứng cứ do tự mình thu thập có thể sẽ không khách quan và xem nhẹ các nguồn chứng cứ khác do các bên thu thập. Dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo khi đương sự cho rằng Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ theo hướng có lợi cho bên này, bất lợi cho bên kia.
Thứ năm, về đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử
Điều 4 và các quy định khác về tổ chức Tòa án tại địa phương của dự thảo Luật quy định thay đổi TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm và thay đổi TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm. Sự đổi mới này là hợp lý, giúp cho việc tổ chức Tòa án tại địa phương không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đảm bảo sự độc lập của Tòa án tại địa phương, phù hợp với cách thức tổ chức Tòa án tại địa phương của nhiều nước trên thế giới. Đồng thời, đây là tiền đề để thành lập mô hình Tòa án rất tiến bộ là Tòa án khu vực khi điều kiện kinh tế - xã hội đảm bảo sau này.
Hiện nay, vẫn còn thắc mắc, việc thành lập TAND phúc thẩm thay thế cho TAND cấp tỉnh thì TAND phúc thẩm có còn thẩm quyền giải quyết một số loại án theo trình tự, thủ tục sơ thẩm hay không. Về vấn đề này, cần hiểu là đó chỉ là tên gọi để đảm bảo mục đích đặt ra bên trên. Việc quy định TAND phúc thẩm có thẩm quyền giải quyết một số loại án theo trình tự, thủ tục sơ thẩm vẫn được đảm bảo. Bởi vì, hiện nay, trên thế giới, trong mô hình tổ chức Tòa án của một số quốc gia vẫn thành lập Tòa án phúc thẩm nhưng vẫn có thẩm quyền giải quyết phúc thẩm, thẩm quyền giải quyết sơ thẩm như “Tòa phúc thẩm” trong mô hình tổ chức Tòa án của Pháp (3) hoặc có Tòa án với tên gọi là tòa án trung ương nhưng lại có thẩm quyền thấp hơn một số Tòa án khác, vừa có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm, vừa có thẩm quyền giải quyết phúc thẩm như “Tòa án hình sự trung ương” mô hình tổ chức Tòa án của Anh quốc (4).
Thứ sáu, về TAND sơ thẩm chuyên biệt
Theo điểm đ khoản 1 Điều 4 và các Điều 62, 63 dự thảo Luật quy định TAND sơ thẩm chuyên biệt là một bộ phận cấu thành trong hệ thống tố chức TAND, có nhiệm vụ sơ thẩm các vụ việc đặc thù theo quy định của pháp luật và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác được quy định trong dự thảo Luật. Đồng thời, khoản 2 Điều 4 dự thảo Luật quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của TAND sơ thẩm chuyên biệt, quy định phạm vi thẩm quyền theo loại việc theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
Quy định này của dự thảo Luật là rất cần thiết, góp phần đảm bảo tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa đối với những vụ án thuộc các lĩnh vực đặc thù nhưng số lượng không nhiều và không đồng điều giữa các địa bàn cấp tỉnh trong cả nước. Đồng thời, đảm bảo sự tập trung cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tránh dàn trải, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết những vụ án thuộc các lĩnh vực đặc thù. Bên cạnh đó, do những vụ án thuộc các lĩnh vực đặc thù không cố định như những loại án khác mà có sự biến động cho nên có những lúc phải tăng số lượng TAND sơ thẩm chuyên biệt nhưng có lúc phải giảm số lượng. Vì vậy, để tránh sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND khi cần tăng, giảm, thành lập bổ sung hoặc giải thể TAND sơ thẩm chuyên biệt, không cần thiết quy định TAND sơ thẩm chuyên biệt vào dự thảo Luật mà dành quyền thành lập, bổ sung hoặc giải thể cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp Luật Tổ chức TAND sửa đổi được thông qua sống với thời gian dài sau này.
Thứ bảy, về ngạch Thẩm phán
Điều 91 dự thảo Luật quy định, ngạch Thẩm phán TAND gồm Thẩm phán TAND Tối cao và Thẩm phán. Bậc Thẩm phán TAND gồm Chánh án TAND Tối cao giữ bậc cao nhất trong ngạch Thẩm phán TAND Tối cao; Thẩm phán TAND Tối cao gồm 02 bậc, từ bậc 01 đến bậc 02; Thẩm phán gồm có 09 bậc, từ bậc 01 đến bậc 09. Với quy định này, dự thảo Luật đã quy định ngạch “Thẩm phán” thay cho các ngạch “Thẩm phán sơ cấp”, “Thẩm phán trung cấp” và “Thẩm phán cao cấp” hiện nay. Nếu như ngạch “Thẩm phán TAND Tối cao” trong dự thảo Luật không có sự thay đổi so với quy định hiện hành thì ngạch “Thẩm phán” trong dự thảo Luật có tác động rất lớn, thay thế cho các ngạch “Thẩm phán sơ cấp”, “Thẩm phán trung cấp” và “Thẩm phán cao cấp”. Việc chuyển ngạch Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp thành “Thành phán” xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, đó là, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các ngạch “Thẩm phán sơ cấp”, “Thẩm phán trung cấp” và “Thẩm phán cao cấp” trong thời gian qua.
Một là, tăng huy tín nghề nghiệp cho Thẩm phán công tác tại Tòa án địa phương. Bởi vì khi đó, Thẩm phán công tác tại TAND sơ thẩm (thay thế TAND cấp huyện), TAND phúc thẩm (thay thế TAND cấp tỉnh) không bị đánh giá năng lực gắn liền với tên gọi và không bị xem là người ban hành phán quyết không đáng tin cậy so với phán quyết do Thẩm phán cao cấp ban hành.
Hai là, giải quyết được bất cập giữa đào tạo, năng lực với chức danh tư pháp đảm trách giữa các Thẩm phán công tác tại Tòa án địa phương các cấp. Hiện nay, để một người được bổ nhiệm làm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp và Thẩm phán cao cấp thì người đó đều phải trải qua việc đào tạo nghiệp vụ xét xử bên cạnh những điều kiện khác do Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định. Thực tế, có những người học tập giỏi, năng lực tốt, thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao nhưng vì nhiều lý do khác nhau (không thể công tác xa nhà, không được quy hoạch, phải phụng dưỡng cha, mẹ già, nuôi con nhỏ…) phải công tác tại TAND cấp huyện và không giữ chức vụ quản lý. Những Thẩm phán sơ cấp này cho dù công tác đến tuổi hưu thì họ vẫn là “Thẩm phán sơ cấp”. Với quy định mới trong dự thảo, Thẩm phán công tác tại TAND sơ thẩm có năng lực tốt, thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao thì vẫn có thể được nâng bậc như Thẩm phán công tác tại TAND phúc thẩm, TAND cấp cao.
Ba là, khắc phục tình trạng khó khăn, bị động về công tác cán bộ. Hiện nay, việc bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp thường được tuyển chọn từ những Thẩm phán có ngạch thấp hơn và phải trải qua kỳ thi nâng ngạch. Việc tổ chức kỳ thi có ưu điểm ràng buộc Thẩm phán ngạch thấp hơn phải thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ nhưng thường mất nhiều thời gian, chi phí, đôi lúc ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị nơi Thẩm phán đó công tác. Bên cạnh đó, do quy định Thẩm phán sơ cấp không thể xét xử án thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh, Thẩm phán trung cấp không thể xét xử án thuộc thẩm quyền của TAND cấp cao nên khi cần bổ sung gấp Thẩm phán cho TAND cấp tỉnh từ nguồn Thẩm phán đang công tác tại TAND cấp huyện, bổ sung Thẩm phán cho TAND cấp cao từ nguồn Thẩm phán đang công tác tại TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện sẽ không thực hiện được, hoặc phải qua thời gian thi cử, bổ nhiệm… đôi lúc sự bổ sung không đảm bảo tính kịp thời. Hơn nữa, biên chế Thẩm phán của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao riêng biệt và gắn liền với từng ngạch Thẩm phán cho nên khi một người được bổ nhiệm làm Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp nhưng nếu họ thực hiện nhiệm vụ chưa tốt thì việc điều động họ đến TAND cấp huyện (đối với Thẩm phán trung cấp), TAND cấp tỉnh (đối với Thẩm phán cao cấp) không thể thực hiện được. Vì vậy, quy định mới về ngạch Thẩm phán trong dự thảo sẽ khắc phục được cấp cập trong việc thực hiện công tác cán bộ; việc điều động, luân chuyển, biệt phái giữa TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm, TAND cấp cao được thuận lợi.
Bốn là, quy định mới này đảm bảo cuộc sống cho Thẩm phán công tác tại Tòa án địa phương. Theo quy định hiện nay, lương của người có thâm niên công tác, trình độ như nhau nhưng thuộc các ngạch Thẩm phán khác nhau thì khác nhau, thậm chí là chênh lệch nhiều. Quy định mới này sẽ xóa bỏ sự chênh lệch này. Theo đó, Thẩm phán công tác tại Tòa án địa phương thuộc cấp nào thì việc tăng lương cũng tiền hành như nhau. Qua đó, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của Thẩm phán do hiện nay Thẩm phán chủ yếu sống bằng lương được lĩnh; giúp Thẩm phán an tâm cống hiến cho TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm.
Như vậy, hồ sơ dự án Luật, nhất là dự thảo Luật được TAND Tối cao chuẩn bị công phu, thể hiện sự đột phá nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của TAND; giúp hệ thống Tòa án thực hiện tốt chức năng xét xử, thực hiện quyền tư phát trong thời gian tới. Nhiều sửa đổi, bổ sung lớn tiệm cận với quy định về tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án được quy định trong hệ thống pháp luật của các quốc gia phát triển được vận dụng linh hoạt với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam. Với một số đóng góp trong bài viết, tác giả mong góp phần nhỏ làm sáng tỏ một số sửa đổi, bổ sung lớn được đưa vào dự thảo Luật.
(1) Xem: Dự thảo lần 5 Luật tổ chức TAND (sửa đổi) tại địa chỉ: https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND314001, [cập nhật ngày 25/10/2023]. (2) Xem: Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp năm 2013. (3) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, 2017, Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, tr.160, 161. (4) Xem: Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật so sánh, 2017, Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, tr.240, 241. |
ThS. THÁI CHÍ BÌNH
TAND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang