Tại khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc”. Do đó, việc bạn vừa hưởng lương hưu vừa tiếp tục đóng BHXH bắt buộc không đúng quy định của pháp luật. Đây là việc tham gia BHXH bắt buộc không đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn có thỏa thuận với công ty để tham gia BHXH bắt buộc không đúng đối tượng thì bạn có thể sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020), với mức phạt là phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP lại không có quy định về việc xử lý vi phạm hành chính đối với công ty (người sử dụng lao động) đối với hành vi tham gia BHXH không đúng đối tượng nêu trên.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 43 về quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế (ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) thì “trường hợp đóng BHXH cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc” sẽ thuộc trường hợp hoàn trả số tiền BHXH đã đóng. Do đó, cơ quan BHXH nơi quản lý thu đối với Công ty X sẽ thực hiện thủ tục hoàn trả số tiền đã đóng BHXH cho bạn; đồng thời công ty cũng phải nộp lại số tiền đã hưởng các chế độ BHXH (nếu có) không đúng của người lao động theo quy định.
Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.