/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự kiến bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Dự kiến bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

24/04/2025 11:13 |17 ngày trước

(LSVN) - Bộ Tư pháp đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2025. Trong đó, có bổ sung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, tại khoản 9 Điều 1 Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 37a về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vào Chương 2 Phần thứ nhất và sau Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020) như sau:

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 bao gồm:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;

- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc cơ quan quản lý nhà nước; Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Người có thẩm quyền tiến hành thanh tra giữ ngạch thanh tra viên;

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

- Người thuộc cơ quan, lực lượng: Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển; Hải quan; Thuế; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Quản lý thị trường; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Thi hành án dân sự;

- Người thuộc Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy, Cảng vụ hàng không;

- Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trưởng Ban cơ yếu Chính phủ;

- Thẩm phán, Chánh án Tòa án nhân dân các cấp;

- Người thuộc Kiểm toán nhà nước.

Căn cứ các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 37a Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), Chính phủ quy định chi tiết các chức danh; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Căn cứ quy định tại các điểm g và h khoản 1 Điều 37a Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết các chức danh; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ngoài ra, tại khoản 10 Điều 1 Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc xác định và phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung 2020).

Cụ thể, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại Điều 37a nêu trên là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.

Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong thuộc địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực đô thị của thành phố trực thuộc Trung ương thuộc các lĩnh vực quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương quy định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 37a của Luật này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý.

Trong trường hợp vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm hành chính do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Chính phủ yêu cầu bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của 06 chức danh

Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Thành Long về việc thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan thẩm quyền xử phạt của một số chức danh.

Theo đó, Phó Thủ tướng đồng ý thời gian trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực liên quan đến thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trong Quý II năm 2025.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các chức danh trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đối với 06 chức danh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến nhất trí bỏ thẩm quyền xử phạt (bao gồm: Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình thuộc Sở Y tế), Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh.

Đối với 35 chức danh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến đồng ý giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, theo Phó Thủ tướng, trường hợp đã được quy định cụ thể tên gọi trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành thì tiếp tục thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Trường hợp chưa được quy định cụ thể tên gọi trong các nghị định xử phạt vi phạm hành chính, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt trong quá trình sửa đổi các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính.

 

TRẦN QUÂN

Các tin khác