Ảnh minh họa.
Ngày 02/10/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 174/NQ-CP về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 9 năm 2024. Trong đó đáng chú ý, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến đối với Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi).
Theo đó, Chính phủ đánh giá cao Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, lập hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các chủ trương, đường lối của Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; vai trò, trách nhiệm của luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; yêu cầu quản lý nhà nước về luật sư; phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam về dịch vụ pháp lý; khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Luật sư năm 2006; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật như được nêu tại Tờ trình số 76/TTr-BTP ngày 16/8/2024 của Bộ Tư pháp.
Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện Đề nghị xây dựng luật với các yêu cầu sau:
- Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm nguyên tắc Hiến định về quyền nhờ Luật sư bào chữa của công dân; phát triển đội ngũ Luật sư, thị trường dịch vụ pháp lý; nâng cao trách nhiệm tự quản của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.
- Xác định rõ, cụ thể các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong triển khai thi hành Luật Luật sư năm 2006; kế thừa những chính sách, quy định của Luật hiện hành đã được thực tế chứng minh, áp dụng có hiệu quả; bổ sung các chính sách, quy định để xử lý bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.
- Rà soát, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan; các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật cần thống nhất với các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (Luật sư, công chứng, đấu giá, thừa phát lại), bảo đảm tính hợp lý, khả thi, hiệu quả.
- Tham khảo, tiếp thu các thành tựu khoa học pháp lý trên thế giới phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam về mô hình tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; việc thi, tuyển chọn Luật sư; quản lý nhà nước; cơ chế để luật sư thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình.
- Thực hiện tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, người làm công tác thực tiễn; đẩy mạnh truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; phối hợp với các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan của Đảng, cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các Đoàn luật sư,... để xây dựng dự án Luật này.
- Báo cáo đánh giá tác động chính sách cần tăng tính định lượng nhằm tăng tính thuyết phục của chính sách và giải pháp thực hiện chính sách; rà soát lại 32 thủ tục hành chính trong Đề nghị xây dựng Luật, chỉ ban hành thủ tục hành chính thật sự cần thiết phục vụ hoạt động quản lý của Nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thực hiện thủ tục hành chính.
- Về Chính sách 1: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách 1; thống nhất bổ sung tiêu chuẩn có “bản lĩnh chính trị vững vàng” đối với việc bổ nhiệm luật sư. Bộ Tư pháp rà soát, chỉnh lý nội dung về miễn, giảm đào tạo nghề luật sư, bảo đảm đồng bộ, thống nhất về chính sách trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đánh giá kỹ tác động của việc thành lập Hội đồng thi luật sư quốc gia, làm rõ các bất cập, vướng mắc của việc tổ chức thi, kiểm tra theo mô hình hiện tại, nhu cầu quản lý nhà nước, kinh nghiệm quốc tế; thuyết minh rõ sự cần thiết của việc thay đổi mô hình thi luật sư.
- Về Chính sách 2: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách 2; thống nhất chủ trương phát triển thị trường dịch vụ pháp lý gắn với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Bộ Tư pháp làm rõ khái niệm, nội hàm, phạm vi “dịch vụ pháp lý” chỉ luật sư được thực hiện và chỉ tổ chức hành nghề luật sư được kinh doanh, bảo đảm không mâu thuẫn với các hoạt động mang tính tư vấn pháp luật của trọng tài viên, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý, luật gia... theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Về Chính sách 3: Cơ bản thống nhất với mục tiêu, nội dung của chính sách 3; thống nhất việc không quy định cụ thể về hỗ trợ cho thuê đất, cơ sở vật chất, chế độ lương của luật sư làm việc cho cơ quan nhà nước và các nội dung khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ trong quản lý nhà nước. Bộ Tư pháp nghiên cứu, cụ thể hóa Kết luận số 102-KL/TW, Quyết định số 118-QĐ/TW; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách để có đội ngũ luật sư có thể tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và công dân Việt Nam; tăng cường quản lý Nhà nước về luật sư và hoạt động của luật sư với các giải pháp cụ thể, bền vững, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục các bất cập của công tác này trong thời gian vừa qua theo đúng Chỉ thị số 33-CT/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 69-KL/TW; thực hiện phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý nhà nước nhằm giảm chi phí cho người dân, Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư khi thực hiện thủ tục hành chính.
Trước đó, Bộ Tư pháp đề xuất thay thế Luật Luật sư tập trung vào 03 nhóm chính sách lớn, cụ thể như sau: Chính sách 1: Xây dựng đội ngũ Luật sư có bản lĩnh nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Chính sách 2: Chuẩn hóa hình thức, phạm vi hành nghề luật sư, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển, đồng thời bảo đảm phát triển thị trường dịch vụ pháp lý lành mạnh ở Việt Nam. Chính sách 3: Nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong hành nghề. |
Chính phủ thống nhất các nội dung về thành lập, giải thể Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chứng chỉ hành nghề luật sư, cơ sở đào tạo nghề luật sư tại Báo cáo số 380/BC-BTP ngày 19/9/2024 của Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XV).
HỒNG HẠNH