(LSO) - Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Trong đó Dự thảo các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Cụ thể, Điều 5 Nghị định quy định các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm gồm:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Kết luận của Tòa án không được khẳng định bằng các chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa;
- Hội đồng xét xử đã không xem xét chứng cứ có ảnh hưởng cơ bản đến kết luận trong bản án, quyết định;
Ví dụ 1: Vật chứng là tài sản thuộc sở hữu chung của người phạm tội và người khác. Tòa án không xem xét, làm rõ đồng sở hữu khác có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng tài sản đó vào việc thực hiện tội phạm hay không mà đã tịch thu sung quỹ nhà nước toàn bộ tài sản là chưa bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đồng sở hữu khác.
- Còn tồn tại những chứng cứ mâu thuẫn nhau có ý nghĩa quan trọng trong việc ra phán quyết nhưng Tòa án chưa làm rõ các chứng cứ này đã chấp nhận một trong các chứng cứ đối lập mà không nêu ra những căn cứ của việc chấp nhận những chứng cứ này và bác bỏ chứng cứ khác;
Ví dụ 2: A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản. Quá trình điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng đã xác định A có 02 giấy khai sinh khác nhau, trong đó có 01 giấy khai sinh xác định A 19 tuổi, 01 giấy khai sinh xác định A 17 tuổi. Cơ quan tiến hành tố tụng chưa làm rõ được tuổi thật của A nhưng khi xét xử, Tòa án vẫn sử dụng giấy khai sinh xác định A 19 tuổi để xử lý hình sự. Trường hợp này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của A vì chưa xác định được đặc điểm quan trọng về tuổi chịu trách nhiệm hình sự (dẫn đến việc A có thể không được áp dụng các nguyên tắc xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự). Lẽ ra Tòa án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung để xác định chính xác tuổi của A mới có căn cứ xác định trách nhiệm hình sự.
- Thiếu những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án nhưng Tòa án không đề nghị bổ sung, làm rõ mà vẫn đưa ra quyết định;
Ví dụ 3: Bị hại yêu cầu bồi thường một khoản tiền, nhưng không cung cấp chứng cứ đầy đủ chứng minh về thiệt hại (chi phí sửa chữa nhà, phương tiện…), Tòa án đã không làm rõ tại phiên tòa, không trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhưng vẫn buộc bị cáo bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bị hại. đ) Kết luận trong bản án có mâu thuẫn cơ bản với tài liệu chứng cứ thu thập được của người bị kết án, người tham gia tố tụng khác và đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải quyết vấn đề trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự.
2. Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc quyết định về tội danh không đúng, hình phạt không đúng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội; hạn chế hoặc tước một số quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, bị hại, đương sự; xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, án phí, lệ phí không đúng quy định khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát, nhưng không có phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc việc ký lệnh, quyết định tố tụng không đúng thẩm quyền;
- Không chỉ định, thay đổi hoặc chấm dứt việc chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội theo quy định tại Điều 76 và Điều 77 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
- Khởi tố vụ án hình sự nhưng không có yêu cầu của bị hại hoặc của người đại diện của bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Truy cứu trách nhiệm hình sự khi đã hết thời hiện truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Nhập vụ án hoặc tách vụ án không đúng quy định tại Điều 170 hoặc Điều 242 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Không cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết hoặc thông báo văn bản tố tụng gồm lệnh, quyết định, yêu cầu, kết luận điều tra, bản cáo trạng, bản án cho người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền bào chữa, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những người tham gia tố tụng khác;
- Chưa điều tra, lập lý lịch của bị can;
- Truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
- Chưa xác định được những đặc điểm quan trọng về nhân thân của bị can, bị cáo (tuổi, tiền án, tiền sự), lý lịch hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội (tên, địa chỉ, những vấn đề khác liên quan đến hồ sơ pháp lý của pháp nhân thương mại);
- Không có người phiên dịch, người dịch thuật cho người tham gia tố tụng trong trường hợp họ không sử dụng được tiếng Việt, người câm, người điếc, người mù hoặc tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt;
- Không từ chối tiến hành, tham gia tố tụng hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong trường hợp quy định tại các điều 49, 51, 52, 53, 54, 68, 69 và 70 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Việc điều tra, thu thập chứng cứ để chứng minh đối với vụ án không đúng trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nên không có giá trị chứng minh trong vụ án hình sự;
- Biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà không chuyển cho Viện kiểm sát theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 88 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Chứng cứ để chứng minh đối với vụ án đã được thu thập trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án hoặc bị sửa chữa, thêm bớt dẫn đến sai lệch hồ sơ vụ án;
- Việc điều tra, truy tố không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Có căn cứ để xác định có việc bức cung, nhục hình trong quá trình tiến hành tố tụng làm cho lời khai của bị can không đúng sự thật;
- Thành phần Hội đồng xét xử không đúng quy định;
- Xét xử không đúng thẩm quyền;
- Không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa;
- Không tuyên phần kháng cáo; quyền viết đơn xin ân giảm đối với trường hợp bị cáo bị kết án tử hình;
- Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét phần kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm;
- Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.
Trường hợp có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như hướng dẫn tại điểm a đến điểm y khoản này nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án, nếu hủy bản án, quyết định để điều tra, xét xử lại cũng không thể khắc phục được thì không kháng nghị giám đốc thẩm.
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật là sai lầm trong việc lựa chọn quy phạm pháp luật hình sự và pháp luật có liên quan khác dẫn đến việc ra phán quyết không đúng với sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kết án, đương sự trong vụ án hình sự.
Ví dụ 4: Trong quá trình giải quyết vụ án, A đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện thêm tội phạm mới. Khi xét xử, Tòa án chỉ cho A hưởng 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự là không đúng. Trường hợp này, A phải được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm t khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Ví dụ 5: A lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình cố ý phân phối hàng cứu trợ cho người không đúng đối tượng gây thất thoát tiền cứu trợ 200.000.000đ theo quy định tại khoản 1 Điều 231 của Bộ luật Hình sự về tội cố ý làm trái quy định về phân phối tiền, hàng cứu trợ. Khi xét xử, Tòa án đã áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự đối với A là không đúng. Trường hợp này, A không bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự vì đây là tình tiết định tội nên không được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
THANH THANH