/ Pháp luật - Đời sống
/ Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): 'Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm'

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): 'Không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong 07 dự án luật được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4. Khi sửa luật, Chủ tịch Quốc hội quán triệt không hợp thức hóa vướng mắc có tính chất vi phạm.

Ảnh minh họa.

Sáng 20/10, phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu khi thảo luận về dự thảo luật này cần bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; thể chế hóa đầy đủ, chính xác thành các quy định cụ thể; chỉ đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và đã có định hướng của Trung ương.

Ngoài ra, dự thảo luật ccũng ần kế thừa các quy định phù hợp của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; khắc phục các vướng mắc trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, chiến lược, lâu dài. Đồng thời, không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; không đưa vào dự luật những vấn đề mang tính sự vụ, hiện tượng, nhỏ lẻ, cá thể, không thể hiện đúng bản chất của quan hệ đất đai phát sinh trong thực tiễn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần giải quyết các nút thắt mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất; có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông nguồn lực đất đai, tạo không gian và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Các quan hệ đất đai mang tính chất công và tư cũng cần tách bạch rõ để đưa vào luật, đảm bảo đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý; phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, dự thảo luật cần cụ thể hóa tối đa những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; luật hóa những nội dung trong văn bản quy định chi tiết đã được áp dụng phù hợp thực tiễn.

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, vẫn còn có ý kiến khác nhau về các quy định trong dự luật. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến sâu hơn về cơ chế bảo đảm tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm", gắn với công bằng xã hội trong tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh.

Dự luật cần quy định cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; định hình hệ thống y tế hiện đại, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; xử lý mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh; cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trước hết là tự chủ tài chính, hợp tác công tư, giá dịch vụ....

Tại Kỳ họp thứ 4 này, Quốc hội cũng sẽ giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là nội dung giám sát quan trọng, quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực. Nội dung này được các đại biểu, nhân dân và cử tri cả nước rất quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu chỉ rõ những lĩnh vực, địa bàn, địa chỉ để xảy ra lãng phí nghiêm trọng; làm rõ hạn chế, khó khăn; chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm và kiến nghị giải pháp.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 03 dự thảo Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; cho ý kiến 07 dự án luật khác, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi). Kỳ họp dự kiến bế mạc ngày 15/11, sau 21 ngày làm việc.

NGUYÊN TRẦN

Quốc hội đề nghị làm rõ thực trạng nguồn cung xăng dầu

Lê Minh Hoàng