Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi): Việc ghi âm, ghi hình phiên tòa chỉ được thực hiện khi có sự cho phép của chủ tọa

25/03/2024 11:14 | 1 tháng trước

(LSVN) - Dự kiến ngày 26/3, Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sẽ cho ý kiến dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi), trong đó có nội dung ghi âm, ghi hình trong phiên tòa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, tại Điều 141, dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có đề xuất quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp. Cụ thể, người từ đủ 16 tuổi trở lên được tham dự phiên tòa xét xử công khai theo quy định của pháp luật. Người dưới 16 tuổi không được vào phòng xử án, trừ trường hợp được Tòa án triệu tập đến phiên tòa.

Người tham dự phiên tòa, phiên họp phải tuân thủ các quy định của pháp luật và nội quy phiên tòa, phiên họp.

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, người tiến hành tố tụng khác chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp khi có sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. 

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Người tham dự phiên tòa, phiên họp không được truyền phát trực tiếp, trực tuyến; không được đưa tin sai sự thật; không đưa tin làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan của Tòa án; vi phạm quyền con người của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác trong vụ án. 

Liên quan đến nội dung này, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay có ý kiến đề nghị làm rõ quy định về hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Theo ý kiến đa số thường trực Ủy ban, tại phiên tòa, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo đảm hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật.

Quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp, nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh…

Các thông tin, chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định.

Quy định này còn góp phần bảo đảm tính tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Do đó, tiếp thu ý kiến của Đại biểu và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "yêu cầu nghiên cứu, rà soát nội dung này, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho các cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình".

Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và TAND Tối cao thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh… trong thời gian tuyên án, công bố quyết định.

Đồng thời, quy định trường hợp cần thiết phục vụ nhiệm vụ chuyên môn hoặc nhiệm vụ khác thì tòa án ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc cung cấp, sử dụng kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh phải bảo đảm quyền con người, bí mật Nhà nước,…

Cũng theo Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo Luật là hẹp hơn quy định của luật tố tụng hiện hành, chưa thuận lợi cho tác nghiệp của báo chí tại phiên tòa (việc ghi âm, ghi hình phần xét hỏi, tranh tụng của phiên tòa phải thông qua Tòa án).

Do đó, ý kiến này đề nghị quy định việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa như quy định của luật tố tụng hiện hành.

MINH TRẦN

Bộ GTVT yêu cầu các hãng hàng không không tăng giá vé trái quy định