/ Trao đổi - Ý kiến
/ Dự thảo Nghị quyết về thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm: Luật sư kiến nghị làm rõ hơn một số quy định

Dự thảo Nghị quyết về thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm: Luật sư kiến nghị làm rõ hơn một số quy định

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - Theo một số Luật sư, Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính về thủ ục giám đốc thẩm, tái thẩm (dự thảo Nghị quyết) mà TAND tối cao đang lấy ý kiến được đánh giá là có nhiều điểm mới, tích cực nhưng cũng còn khá nhiều quy định còn có ý kiến băn khoăn.

Ảnh minh họa (Nguồn Internet).

Quy định có lợi cho người kiến nghị

Qua nghiên cứu dự thảo Nghị quyết mà TAND tối cao đang lấy ý kiến, Luật sư Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng có 2 điểm mới trong dự thảo mà ông đánh giá khá cao.

Điểm thứ nhất, dự thảo Nghị quyết đã quy định trong thông báo giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải có nội dung: Nhận xét, phân tích về từng vấn đề pháp lý trong bản án, quyết định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cho là có vi phạm, sai lầm cần phải xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm; tình tiết mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cho là tình tiết mới cần phải xem xét theo thủ tục tái thẩm và nêu rõ lý do không kháng nghị.

Đánh giá tích cực, Luật sư Từ nói rằng quy định như vậy đã yêu cầu đối với cơ quan chức năng khi ban hành thông báo giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm phải nghiên cứu rất kỹ hồ sơ, tài liệu vụ án theo quy định của pháp luật.

Điểm thứ hai, cũng theo Luật sư Từ, dự thảo Nghị quyết cũng đã đưa ra nhiều trường hợp cụ thể, chi tiết để chứng minh trường hợp nào là kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, trường hợp nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Đồng tình quan điểm này, Luật sư Vũ Văn Đồng - Trưởng Văn phòng Luật sư Miền Trung - Hà Nội (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho rằng, trong thực tiễn hành nghề, ở một số vụ việc dân sự, Tòa cấp ra Quyết định (hoặc thông báo về việc trả lời đơn đề nghị xem xét theo trình tự Giám đốc thẩm), ra thông báo về đang xem xét Giám đốc thẩm… quá lâu, chậm trễ dẫn đến lúc Tòa ra quyết định Giám đốc thẩm có quyết định hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm thì hậu quả của việc chậm trễ khiến việc giải quyết khắc phục, trả lại tài sản thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn tài sản hoặc tài sản đã thay đổi hiện trạng… đến mức không thể xử lý.

“Vậy nên, dự thảo Nghị quyết quy định thông báo giải quyết đơn đề nghị, thông báo, kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm phải có nhận xét, phân tích về từng vấn đề pháp lý trong bản án, quyết định mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cho là có vi phạm, sai lầm và nêu rõ lý do không kháng nghị… khi có nhận được đơn đề nghị là quy định rất văn minh, gỡ bỏ được những bất cập hiện nay” - Luật sư Đồng nói.

Một số quy định cần quy định rõ hơn

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực pháp luật, Luật sư Vũ Văn Đồng cho rằng, Quyết định Giám đốc thẩm có vai trò đặc biệt quan trọng, tránh oan sai, sai sót về nghiệp vụ nên dự thảo nghị quyết rất cần thiết quy định trong việc lựa chọn các thẩm tra viên, thẩm phán giỏi về nghiệp vụ, công tâm, có trách nhiệm cao trong việc xem xét đơn thư, kháng nghị và không bị ràng buộc mối quan hệ với Tòa hoặc Thẩm phán Tòa án cấp dưới.

Cũng liên quan đến nội dung nêu trong dự thảo, Luật sư Hà Huy Từ cũng cho rằng, vẫn có một số điểm chưa phù hợp như: Tại Điều 16 “Hoãn thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật” dự thảo có liệt kê Khoản 3 là: “Có đơn đề nghị hoãn thi hành án của người phải thi hành án”. “Nếu như vậy, thì quá đơn giản vì tâm lý của đa số người phải thi hành án thường không muốn phải thi hành án ngay mà hay tìm cớ để xin hoãn thi hành án. Đây là kẻ hỡ đơn giản nhất mà người phải thi hành án luôn sẵn sàng làm”- Luật sư Từ nêu ý kiến.

Để công tác thi hành án không bị ngừng trệ, Luật sư Từ kiến nghị cần sửa đổi Khoản 3 điều này với nội dung: “Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên”.

Cũng theo Luật sư Từ, Điều 16 của dự thảo Nghị quyết cần phải liệt kê thêm các trường hợp cho phép hoãn thi hành án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới đầy đủ và có sự tương thích với luật thi hành án dân sự. Về ngôn ngữ lập pháp, Điều 16 dự thảo Nghị quyết cần sửa cụm từ “khi có đủ các căn cứ sau đây” thành “khi có một trong các căn cứ sau đây” sẽ phù hợp hơn. “Bởi bên cạnh phải tôn trọng, ủng hộ công tác thi hành án theo đúng pháp luật thì cũng phải bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp cả cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là khi bản án, quyết định có dấu hiệu oan sai, nếu thi hành án có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” - Luật sư Từ nhấn mạnh.

Cũng theo vị Luật sư này, Điều 12 dự thảo Nghị quyết mới liệt kê thủ tục nhận và xử lý đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm là đương sự nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính là chưa đầy đủ. Cần bổ sung việc đương sự có quyền gửi trực tuyến đơn đề nghị qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án, Viện kiểm sát. Điều này tương thích với Khoản 3 Điều 119 Luật tố tụng hành chính (Luật tố tụng hành chính cho phép Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án); giúp đương sự tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục trên môi trường điện tử, thuận lợi cho việc quản lý số hóa, hiện đại hóa.

Góp ý cho cơ quan soạn thảo, Luật sư Từ đề nghị cần bổ sung thêm các trường hợp Thẩm phán tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ quy định tại Điều 15 dự thảo Nghị quyết. Bởi tiêu đề Điều 15 dự thảo Nghị quyết là “kiểm tra, xác minh tài liệu, chứng cứ trong thủ tục giám đốc thẩm”. Đây là một nội dung công việc cực kỳ quan trọng của Thẩm phán, thể hiện năng lực, vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán; tuy nhiên tại Khoản 2 Điều 15 dự thảo Nghị quyết chỉ liệt kê 6 trường hợp và một trường hợp tùy nghi là chưa đầy đủ, chưa toàn diện.

Theo GIA KHÁNH/PLVN

/de-nghi-xay-dung-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so.html