Ảnh minh hoạ.
Lâu nay, việc dạy thêm, học thêm là một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong xã hội, bởi có nhiều hệ lụy và sự biến tướng, cơ quan quản lý giáo dục không thể kiểm soát được. Việc dạy thêm, học thêm không chỉ là áp lực với học sinh mà còn là gánh nặng tài chính của phụ huynh. Với dự thảo Thông tư mới này, liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý, kiểm soát được việc này hay lại tạo ra nhiều hệ lụy khác, đặt gánh nặng tài chính lên vai phụ huynh, đồng thời tạo ra sự chồng chéo trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở dạy thêm?
Chưa làm rõ mục đích dạy thêm, học thêm
Dự thảo Thông tư có 4 chương, 16 điều, quy định về việc dạy thêm, học thêm, quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, trong 16 điều này, người viết chưa thấy vấn đề quan trọng được đặt ra là mục đích của việc dạy thêm, học thêm là gì? Vì sao lại phải dạy thêm, học thêm, trong khi chương trình dạy và học chính khóa trong nhà trường đã truyền đạt những kiến thức cơ bản cho các cấp học. Nếu cho rằng dạy thêm, học thêm là để học sinh nâng cao kiến thức thì có đúng với phương châm, phương pháp lâu nay các nhà giáo dục khuyến khích là tính tự học, tự nghiên cứu của học sinh?
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm học thêm, phân ra việc dạy thêm học thêm trong trường và ngoài nhà trường. Cụ thể, tại điều 4 dự thảo Thông tư cho thấy, việc dạy thêm trong nhà trường do tổ chuyên môn họp, thống nhất và đề xuất với người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng). Việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Đối với các môn học có đề xuất việc dạy thêm, học thêm thì phải trình bày rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng đề xuất dạy thêm, học thêm và danh sách giáo viên đăng ký dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp. Việc đề xuất dạy thêm, học thêm của tổ chuyên môn được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp. Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp trung học cơ sở, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp trung học phổ thông.
Như vậy, với dự thảo tại Điều 4, lý do, mục đích của việc dạy thêm, học thêm phụ thuộc vào từng trường và mỗi trường sẽ có một lý do riêng của mình để tổ chức dạy thêm. Quy định này được xem là “quy định mở”, nhưng điều đó cũng dễ phát sinh ra nhiều lý do khác nhau để tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
Cơ sở dạy thêm: Luật Doanh nghiệp hay Luật Giáo dục điều chỉnh?
Ngoài việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tại Điều 5 dự thảo Thông tư còn quy định việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường và được xác định là hoạt động kinh doanh và phải đăng ký kinh doanh theo quy định.
Với dự thảo này, việc tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (gọi chung là cơ sở dạy thêm) bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, nhưng đăng ký với loại hình nào (Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Hợp danh, Công ty Cổ phần hay chỉ là hộ kinh doanh cá thể…) thì Thông tư không quy định. Bởi lẽ, với mỗi một loại hình kinh doanh sẽ chịu sự điều chỉnh bởi các quy định khác nhau về thuế, kế toán, bảo hiểm xã hội, lao động…
Mặt khác, cơ sở dạy thêm là một dạng kinh doanh về giáo dục nhưng có nằm trong danh mục các cơ sở giáo dục được điều chỉnh bởi Luật Giáo dục hay không cũng là vấn đề cần xem xét.
Bởi lẽ, theo khoản 12, Điều 5 Luật Giáo dục năm 2019, giải thích: “Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác”. Khoản 1 Điều 6 Luật này quy định: “1. Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên”. “Hệ thống giáo dục quốc dân” được quy định từ Điều 23 đến Điều 46; “Cơ sở giáo dục khác” được quy định tại Điều 65 Luật Giáo dục, không có nội dung nào điều chỉnh đối với cơ sở dạy thêm. Phải chăng, cơ sở dạy thêm không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giáo dục?
Nếu cơ sở dạy thêm thuộc loại hình kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp thì phải đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và đầu tư và thuộc mã ngành nào trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/7/2018 về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam? Hiện nay, theo hệ thống mã ngành kinh tế thì mã 85 (từ 851 đến 856) là mã ngành giáo dục và đào tạo. Vậy, cơ sở dạy thêm có nằm trong mã ngành này không để từ đó cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Liên quan đến hoạt động của các cơ sở dạy thêm, không chỉ là việc quản lý chất lượng dạy, chương trình, giáo viên đứng lớp mà còn liên quan đến việc tuân thủ pháp luật về thuế (thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, VAT…). Hơn nữa, nếu cơ sở dạy thêm thuộc loại hình cơ sở giáo dục theo Luật Giáo dục thì việc đặt mục tiêu lợi nhuận sẽ khác hoàn toàn với loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Từ việc xác định mục tiêu lợi nhuận khác nhau sẽ dẫn đến định hướng kinh doanh khác nhau và sự biến tướng (nếu có) sẽ xuất phát từ đây. Đây là vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính đến khi ban hành Thông tư về dạy thêm, học thêm.
Liệu có chồng chéo và mâu thuận với các đạo luật khác?
Ngoài hai đạo luật chính đã nêu trên là Luật Doanh nghiệp và Luật Giáo dục, việc dạy thêm học thêm còn cần đặt trong bối cảnh thực thi Luật Phòng chống tham nhũng và Luật Viên chức.
Bởi lẽ, dự thảo Thông tư không chỉ quy định tổ chức, cá nhân là giáo viên được thành lập cơ sở dạy thêm mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục (tức Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường) cũng được tham gia dạy thêm tại các cơ sở dạy thêm.
Trong khi đó, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Viên chức đều có những điều khoản quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu hoặc viên chức không được tham gia thành lập, góp vốn, quản lý, điều hành… các loại hình doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có liên quan đến lĩnh vực mà mình quản lý, điều hành. Không những vậy, thực tế không loại trừ việc giáo viên dạy thêm cho chính học sinh mình đang dạy chính khóa trong trường. Liệu nhà trường, các cơ quan quản lý có kiểm soát được và đảm bảo rằng không phát sinh tiêu cực từ việc dạy thêm này?
Thời gian qua, đã có không ít trường hợp học sinh học ở trường trong các buổi chính khóa, sau đó lại đến nhà thầy/cô giáo để học thêm thì mới có điểm cao trong các kỳ kiểm tra, kỳ thi. Tình trạng này có phải là một dạng tham nhũng trong dạy học hay không cũng cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một nghiên cứu xã hội trước khi đưa dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm ra lấy ý kiến. Cần hết sức thận trọng khi ban hành Thông tư này bởi nếu quy định không chặt chẽ, vô hình trung, Thông tư về dạy thêm học thêm sẽ hợp thức hóa các biến tướng về tham nhũng, tiêu cực trong dạy và học ở các cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Luật sư, Thạc sĩ NGUYỄN VĂN ĐỨC
Đoàn Luật sư TP. HCM