Ảnh minh họa.
Mục tiêu chung của Quy hoạch là bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Ngành năng lượng phát triển hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ và thông minh, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước kết hợp với xuất, nhập khẩu năng lượng hợp lý; triệt để thực hành tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Chủ động sản xuất được một số thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng; nâng cấp, xây dựng lưới điện truyền tải, phân phối điện tiên tiến, hiện đại.
Quy hoạch cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể, nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế ở 6,6%/năm ở kịch bản trung bình và 7,45%/năm ở kịch bản cao trong giai đoạn 2021-2030 và 5,6%/năm ở kịch bản trung bình và 6,2%/năm ở kịch bản cao giai đoạn 2031-2050, theo đó:
- Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp 155-165 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và 335-409 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
- Tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng 103-110 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030 và đạt 150-186 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2050.
- Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng sơ cấp 15-20% năm 2030 và 70-80% năm 2050.
- Tiết kiệm năng lượng khoảng 9% vào năm 2030 và khoảng 20% vào năm 2050 so với Kịch bản phát triển bình thường.
- Đạt mục tiêu cắt giảm khí nhà kính 25% vào năm 2030 và 74% vào năm 2050 so với kịch bản phát triển bình thường; tổng phát thải CO2 là 401-429 triệu tấn vào năm 2030 và 103-125 triệu tấn vào năm 2050.
Để đạt được các mục tiêu trên, Quy hoạch đặt ra các giải pháp bao gồm: Giải pháp về thúc đẩy và khuyến khích đầu tư; giải pháp về cơ chế, chính sách; giải pháp về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về điều hành quy hoạch.
VĂN QUANG
Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện về hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam