/ Góc nhìn
/ Đừng chủ quan với Covid-19

Đừng chủ quan với Covid-19

28/04/2021 03:46 |

(LSVN) - Trong các phát biểu của lãnh đạo nhà nước hoặc địa phương đều nhấn mạnh nhận định tình trạng chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch Covid-19 của cả cán bộ và nhân dân trong thời điểm hiện tại. Người dân thì lơ là, không thực hiện nghiêm túc quy định 5K của Bộ Y tế, chính quyền địa phương thì thiếu quyết liệt, cho phép hoặc tổ chức các sự kiện đông người. Công điện của chính phủ ra ngày 23/4 đã chấn chỉnh việc này và đặc biệt, quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan, đơn vị,... trong phòng chống dịch.

Trong tình trạng dịch đã áp sát nước ta, những biến thể virus mới gây nên nỗi kinh hoàng, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh thì việc chủ quan, lơ là phải coi là trọng tội. Rất kịp thời, Chủ tịch TP. HCM đã tuyên bố dừng bắn pháo hoa trong dịp đại lễ 30/4, tuy nhiên, các sự kiện tổ chức hội hè vẫn cho phép và tất yếu, việc tụ tập đông người vẫn xảy ra và chắc chắn, không phải mọi người đều tuân thủ quy định 5K và khả năng lây nhiễm rất lớn. Chúng ta hãy nhớ lại bài học đau thương của Ấn Độ, khi đại dịch xảy ra thảm khốc không có gì ngăn lại được có nguyên nhân từ 2 lễ hội "hoành tráng" được tổ chức 01 tháng trước đó với hàng chục vạn người tham gia.

Trong phiên họp mới đây của Chính phủ về việc phòng chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu mọi người dân phải đeo khẩu trang, ngoài những biện pháp phòng chống khác. Xin nhớ, trong phiên họp của Chính phủ Thái Lan vào ngày 24/4, Thủ tướng của nước này không đeo khẩu trang và đã phải nộp phạt 60.000 bạt (tương đương 4,4 triệu đồng Việt Nam) theo một đạo luật đặc biệt về phòng chống dịch bệnh vừa được ban hành tại vương quốc này.

Có lẽ, chúng ta cũng cần đến sự nghiêm khắc không có vùng cấm như vậy. Ấn Độ cũng trừng phạt hết sức nghiêm khắc những trường hợp lơ là trong việc phòng chống dịch, bỏ tù ngay lập tức những người chậm trễ trong việc cung cấp oxy là một ví dụ.

Sự chủ quan, lơ là của người dân thể hiện rõ nhất là việc tập trung đông người. Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mặc dù chính quyền tỉnh Phú Thọ chỉ tổ chức phần lễ không có phần hội nhưng hàng chục vạn người vẫn kéo về Đền Hùng. Hoặc, trong dịp này, bãi biển ở Đà Nẵng vẫn ken chật người mà chẳng có biện pháp phòng tránh nào áp dụng được với những người đi tắm biển. Dịp nghỉ lễ 30/4 này là cơ hội cho mọi người tụ tập và cũng là cơ hội tuyệt vời cho con covid-19 tung hoành.

Ấn Độ đã phải trả giá đắt, còn chúng ta tính sao? Hội hè, tổ chức sự kiện chào mừng vẫn diễn ra ở các địa phương trong dịp này, mở đường hợp pháp cho việc tụ tập đông người. Ví dụ như TP. Cần Thơ khai trương phố đi bộ với nhiều hình thức hội hè hấp dẫn, trong đó có cả lễ hội ẩm thực, ăn uống thì còn đeo khẩu trang vào chỗ nào? Đến khi đại dịch xảy ra thì ai chịu trách nhiệm hay chỉ có sự ăn năn lên tiếng?

Chúng ta đã thấy rõ, chủ quan, lơ là không chỉ ở phía người dân!  

PHALY

Nghiên cứu thí điểm mô hình bồi thẩm đoàn và phát triển án lệ ở Việt Nam

Admin