/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tai nạn do lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định: Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Tai nạn do lỗi dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định: Ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

13/07/2024 06:18 |

(LSVN) – Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ, người lái xe trên đường cao tốc chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Ảnh hiện trường vụ việc.

Mới đây, tại cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, hướng đi Hải Phòng, qua địa phận huyện Gia Lộc, Hải Dương xảy ra vụ tai nạn liên hoàn giữa 3 xe ô tô. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, do xe bán tải đi chậm tránh chướng ngại vật, dẫn đến việc xe 16 chỗ va chạm vào phía sau. Khi lái xe 16 chỗ và 2 người trên xe bán tải đứng lại tranh luận trước đầu xe khách thì xe ô tô con đi phía sau đâm vào đuôi xe khách.

Vậy, trong trường hợp chủ phương tiện dừng, đỗ xe không đúng quy định, nếu xảy ra thiệt hại thì ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, theo quy định tại khoản 1, 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ, người lái xe trên đường cao tốc phải tuân thủ các quy tắc giao thông quy định tại Luật này. Chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định; trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định thì người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được thì phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Đồng thời, theo Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác...

Như vậy, nếu việc dừng, đỗ xe không đúng với quy định của pháp luật mà gây ra tai nạn giao thông thì người điều khiển phương tiện dừng, đỗ xe vi phạm ngoài bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Còn trong trường hợp dừng, đỗ xe đúng quy định của pháp luật, tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện khác gây ra (vi phạm về tốc độ, không chú ý quan sát...) thì người điều khiển phương tiện khác đó ngoài bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Với trường hợp lỗi xuất phát từ cả hai phía thì cả hai bên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết thêm, theo Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường các khoản sau:

- Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.

- Thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

- Thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.

Ngoài ra, mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 

PHƯƠNG ANH

Hà Nội chưa có lịch duyệt chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung vào lớp 10

Nguyễn Mỹ Linh