Nó đặc biệt cụ thể trên hai phương diện, thứ nhất là dùng việc làm luật mới để khắc phục hệ lụy bất cập của cái lệ truyền thống; thứ hai là điểm xuất phát của ý tưởng làm luật này rất đúng đắn nhưng thực chất kết quả nó đưa lại thì gây tranh cãi.
Dự thảo luật mới xoay quanh chuyện đảm bảo bình đẳng giới. Ở Nam Phi, luật pháp hiện hành không cho phép nhưng cũng không cấm đàn ông đa thê, nhưng tồn tại cái lệ truyền thống là đàn ông có thể có nhiều vợ. Tỉ lệ đàn ông lấy nhiều vợ ở đất nước này chỉ rất thấp nhưng tình trạng ấy tồn tại như một thực tế đương nhiên đến mức được cảm nhận như thế pháp luật cho phép. Pháp luật hiện hành của đất nước này quy định rất cụ thể và rõ ràng về bình đẳng giới trên mọi phương diện.
Dự thảo luật mới nói trên có nội dung là cho phép phụ nữ được lấy nhiều chồng, tức là cho phép đa phu đối với phụ nữ. Những tác giả của dự luật và người ủng hộ lập luận rằng trong xã hội dân chủ và thực thi bình đẳng giới thật sự thì phụ nữ cũng phải được như đàn ông.
Một khi đàn ông có thể có nhiều vợ, bất kể tình trạng đa thê này được hợp pháp hóa bằng luật hay lệ, thì không thể không để cho người phụ nữ có quyền lấy nhiều chồng. Cách đưa lại sự bình đẳng trên phương diện này là sửa đổi luật hay lệ cũ hoặc làm ra luật hoặc lệ mới.
Trong các xã hội hiện đại, một trong những nội hàm cơ bản của bình đẳng giữa nam và nữ trên phương diện này là chỉ cho phép hôn nhân một vợ một chồng, nói theo cách khác là chỉ người độc thân hoặc đã ly hôn mới có thể kết hôn.
Theo đó, ý tưởng luật ở Nam Phi về tạo nên sự bình đẳng hoàn toàn và tuyệt đối giữa nam và nữ trên phương diện đơn thê hay đa thê là tích cực và rất đáng khích lệ. Nhưng rõ ràng là sẽ đúng đắn và hợp lý hơn nếu cái đích của bộ luật mới là chỉ cho phép một vợ một chồng đối với tất cả chứ không phải cho phép đa phuở phụ nữ để bình đẳng với đa thê ở nam giới.
Thực tiễn cho thấy phụ nữ dễ chấp nhận tình trạng người chồng có nhiều vợ hơn là đàn ông chấp nhận người vợ có nhiều chồng. Nếu như thực tế này không được lưu ý thỏa đáng trong quá trình tranh luận và bàn thảo về dự luật thì cả khi dự luật được thông qua cũng không dễ đưa lại kết quả được mong đợi là bình đẳng thực sự và tuyệt đối giữa nam và nữ trên phương diện hôn nhân.
Việc đặt ra vấn đề này là cần thiết ở Nam Phi vì thực trạng lâu nay về luật và lệ kia đã bất cập đến mức cần được khắc phục và thiếu sót cũng như mâu thuẫn trong luật pháp hiện hành riêng về phương diện hôn nhân đòi hỏi phải sửa đổi hoặc thay đổi luật pháp hiện hành liên quan. Nhưng cách làm nào được lựa chọn và áp dụng, dùng luật mới để khắc chế lệ cũ hay dùng luật mới để tạo nên lệ mới, nhằm có được sự bình đẳng hoàn toàn và tuyệt đối lại là chuyện không đơn giản.
Nếu như sự lựa chọn không thích hợp hoặc tính khả thi của luật hay lệ mới không được đảm bảo thì kết quả sẽ chỉ là hữu danh vô thực, hiệu quả rất hạn chế, thậm chí còn có thể lợi bất cập hại và phản tác dụng.
Nếu như dự luật mới này được thông qua hoặc dẫn đến sự sửa đổi luật và lệ hiện hành lâu nay trên phương diện đơn thê và đa thê thì đất nước Nam Phi sẽ chứng kiến một cuộc cách mạng thật sự không những chỉ về pháp lý mà còn về chính trị đối nội và xã hội.
HẠ NHAM/PLVN