Cần nâng cao công tác bảo vệ Luật sư tại phiên tòa

22/10/2021 23:20 | 2 năm trước

(LSVN) - Trong thời gian tới, pháp luật cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm nâng cao công tác bảo vệ người tham gia tố tụng cũng như Luật sư tại phiên tòa, đặc biệt đối với những vụ án hình sự như vụ xét xử bị cáo Đường "Nhuệ" vừa qua và các phiên tòa xét xử lưu động. Cụ thể, pháp luật cần quy định chi tiết về quy trình đảm bảo thật tự phiên tòa, đảm bảo an toàn đối với Luật sư.

Đường "Nhuệ" đã đứng bật dậy lớn tiếng gọi Luật sư phía bị hại là "thằng già".

Liên quan đến vụ việc Đường “Nhuệ” lớn tiếng gọi Luật sư là “thằng già” tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Xâm phạm chỗ ở của công dân” diễn ra vào chiều ngày 18/10 vừa qua. Cụ thể, ở phần tranh tụng, Luật sư Trần Hồng Lĩnh - bảo vệ quyền và lợi ích của bị hại đã trích lại nội dung file ghi âm cuộc nói chuyện giữa bị cáo Nguyễn Xuân Đường và ông Nguyễn Văn Lẫm - Giám đốc Công ty TNHH Lâm Quyết. Trong đó, Luật sư Trần Hồng Lĩnh nhắc lại nội dung Đường "Nhuệ" doạ giết ông Lẫm cùng tuyên bố: "Tao sẽ hy sinh một thằng đàn em tao, tao sẽ nuôi nó cho ăn trong tù luôn...".

Sau đó, Luật sư Trần Hồng Lĩnh nhấn mạnh rằng: "Nguyễn Xuân Đường không phải là người hiền lành mà là người cầm đầu băng nhóm xã hội khét tiếng ở Thái Bình...". Không giữ được bình tĩnh sau phần tranh tụng của Luật sư Trần Hồng Lĩnh, Đường "Nhuệ" đứng bật dậy phản ứng ngay tại toà: "Bị cáo không thể bình tĩnh, không thể để thằng già này vu khống được...".

Ngay sau đó, Thẩm phán yêu cầu lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp làm nhiệm vụ bảo vệ phiên toà. Bị cáo Đường "Nhuệ" được đưa về vị trí chỗ ngồi ban đầu để phiên toà tiếp tục.

Đánh giá về hành vi lớn tiếng gọi Luật sư là “thằng già” ngay giữa phiên tòa của Đường “Nhuệ”, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa cho biết, xét về hành vi mất bình tĩnh của Đường “Nhuệ” thể hiện bị cáo đang muốn phản đối sau khi nghe nhận định của Luật sư về mình. Đây là một phản ứng có phần mất kiểm soát, thiếu thận trọng và thể hiện tính cách của một người cầm đầu băng nhóm xã hội. Về lời nói của bị cáo thể hiện rõ sự thiếu tôn trọng đối với Luật sư khi dùng cụm từ “thằng già”. Về ngôn ngữ học, bị cáo gọi Luật sư là “thằng già” thể hiện rõ thái độ thiếu tôn trọng, cũng như vi phạm quy định nội quy phiên tòa, làm mất trật tự tại phiên xét xử.

Theo Luật sư Tùng, người nào có hành vi được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm danh dự của người khác như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ,… thì có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác”. Cụ thể: "Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm".

Tuy nhiên ở đây, xét thấy lời nói và hành vi của bị cáo chưa đến mức xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh sự của Luật sư nên chưa cấu hành tội “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác”. Hành vi này thể hiện sự phản đối thiếu tôn trọng đối với Luật sư, những người tham gia tố tụng và có thể xem xét vi phạm nội quy phiên tòa tại khoản 2 Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về nội quy phiên tòa như sau: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Đây là hành vi mất trật tự và không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Luật sư Tùng cho biết, pháp luật hình sự đã có quy định về nội quy phiên tòa tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quy định này ngoài việc đảm bảo mọi phiên tòa được diễn ra theo đúng trình tự thủ tục, tuân thủ trật tự mà còn hướng đến tính an toàn trong suốt phiên xét xử, an toàn cho Luật sư cũng như toàn thể người tham gia tố tụng và người dân dự khán.

Bên cạnh đó, Thông tư 13/2016/TT-BCA quy định thực hiện nhiệm vụ bảo vệ phiên tòa của lực lượng Công an nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ trong phòng xử án phải thực hiện đúng nhiệm vụ đã được phân công; nhắc nhở người đến dự phiên tòa ngồi đúng vị trí quy định, giám sát chặt chẽ mọi hành vi của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người tham dự phiên tòa.

“Trong thời gian tới, pháp luật cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm các quy định nhằm nâng cao công tác bảo vệ người tham gia tố tụng cũng như Luật sư tại phiên tòa, đặc biệt đối với những vụ án hình sự như vụ xét xử bị cáo Đường "Nhuệ" vừa qua và phiên tòa xét xử lưu động.

Cụ thể, pháp luật cần quy định chi tiết về quy trình đảm bảo thật tự phiên tòa, đảm bảo an toàn đối với Luật sư. Theo đó, trật tự ở mỗi phiên tòa sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và người tham gia tố tụng trong quá trình xét xử”, vị Luật sư này kiến nghị.

DUY ANH

Đường 'Nhuệ' lớn tiếng gọi Luật sư là 'thằng già' giữa phiên tòa