Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội.
Theo phản ánh, một số khu đô thị hiện nay đang hạn chế việc đi lại của người dân khi đi qua khu đô thị như kiểm tra giấy tờ, ngăn cản không cho đi qua khu đô thị để sang đường khác, hay tiến hành “khoá bánh xe” đối với những xe vi phạm, đỗ xe không đúng vị trí quy định. Trước thực trạng trên, có nhiều người thắc mắc về việc, đường nội bộ khu đô thị có phải là đường hạn chế đi hay hạn chế đỗ xe hay không, và việc bảo vệ khu đô thị có được tự ý khóa xe của người vi phạm không, trách nhiệm của người cắt khóa xe trong trường hợp này như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định hiện hành, có 2 loại đường nội bộ trong khu chung cư: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư và không thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư. Trong đó, khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 quy định: Đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, cụ thể đây là hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó. Tuy nhiên, trong trường hợp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho nhà nước hoặc giao cho chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt thì đây không được xem như phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Như vậy, trong trường hợp thứ nhất, nếu đường nội bộ thuộc về phần sở hữu chung của nhà chung cư, ban quản lý toà chung cư có quyền thay mặt các chủ sở hữu của nhà chung cư thực hiện việc quản lý theo Quy chế quản lý nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đã hướng dẫn trong Thông tư 02/2016/TT-BXD. Do đó, họ hoàn toàn có quyền đặt ra các yêu cầu nội bộ, trong đó có việc hạn chế việc đi lại của người dân khi đi qua khu đô thị, ấn định các vị trí cấm dừng/đỗ xe và hình thức xử phạt với các phương tiện vi phạm. Việc đỗ xe không đúng vị trí có thể bị coi là hành vi lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung của khu chung cư, theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Luật Nhà ở 2014, cho nên việc áp dụng hình thức xử lý là “khoá bánh xe” là đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp thứ hai, nếu đường nội bộ là hệ thống hạ tầng kỹ thuật được sử dụng vào mục đích công cộng hoặc thuộc diện phải bàn giao cho nhà nước hoặc giao cho Chủ đầu tư quản lý theo nội dung dự án đã được phê duyệt, thì trường hợp này đường nội bộ không được coi là phần sở hữu chung của nhà chung cư. Trong trường hợp này, việc sử dụng đường nội bộ thực hiện theo quy định trong hồ sơ dự án được cấp phép hoặc văn bản của cơ quan quản lý nhà nước.
Khi đó, việc kiểm tra giấy tờ, hạn chế hay ngăn cản việc đi lại của người dân khi đi qua khu đô thị, hoặc việc khoá bánh xe của bảo vệ toà chung cư đối với những phương tiện vi phạm bị coi là hành vi trái pháp luật, xâm phạm quyền nhân thân cũng như quyền sở hữu đối với chủ phương tiện. Bởi lẽ việc xem xét, xử lý hành vi vi phạm trong trường hợp này thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều vấn đề phát sinh xung quanh việc di chuyển phương tiện hay đỗ xe trong các tuyến đường nội bộ của khu đô thị. Bởi hiện nay vẫn còn xuất hiện tình trạng đơn vị quản lý khu đô thị lợi dụng việc tự chủ trong việc ban hành quy định nội bộ, đưa ra những quy định bất hợp lý hoặc xử phạt quá nặng đối với hành vi vi phạm, gây bức xúc cho người dân.
Từ những phân tích trên, Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết, việc hạn chế, ngăn cản người dân đi qua tuyến đường khu đô thị hoặc tiến hành khoá bánh xe đối với phương tiện đỗ xe không đúng vị trí quy định tại đường nội bộ của khu đô thị, khu chung cư có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, nếu như áp dụng một cách cứng nhắc, hoặc vượt quá chức năng, thẩm quyền của người xử lý vi phạm. Vì vậy, trước hết, các tài xế trước khi lái xe vào các tuyến đường nội bộ tại các khu đô thị cần hỏi rõ ràng người quản lý/bảo vệ khu đô thị để chủ động chọn tuyến đường đi cho phù hợp, trường hợp đỗ xe trong đường nội bộ tại các khu đô thị, cần chú ý quan sát biển báo, hoặc nếu không có biển báo cần lựa chọn những vị trí đỗ phù hợp, không gây ảnh hưởng đến giao thông hoặc hoạt động khác của người dân.
Ngược lại, nếu việc di chuyển phương tiện trong tuyến đường nội bộ khu đô thị không gây ảnh hưởng lớn, bảo vệ/đại diện BQL khu đô thị nên linh hoạt cho phép xe di chuyển, không nên áp dụng quá cứng nhắc quy định của pháp luật. Trong trường hợp phát hiện phương tiện đỗ xe không đúng quy định nên ưu tiên nhắc nhở, giải thích cho chủ xe trên nguyên tắc đảm bảo sự hài hoà, lợi ích cho các bên. Biện pháp khoá bánh xe dù được thực hiện đúng quy định hay không cũng không phải là giải pháp tối ưu, mà giải pháp tốt hơn hết là khi chủ xe cố tình chống đối, có thái độ không hợp tác là thông báo sự việc với chính quyền địa phương để sự việc được giải quyết đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Luật sư Trần Xuân Tiền cũng cho rằng cần xem xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các cơ quan quản lý có liên quan, nhất là việc quản lý về phần diện tích chung của khu dân cư, diện tích nơi đỗ xe… Bởi lẽ, để xảy ra tình trạng này cũng xuất phát từ việc lơ là, không sát sao trong việc quản lý các khu đô thị nói chung của chính quyền địa phương. Việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định tại các khu đô thị cũng như xác định đúng và đủ nhu cầu sở hữu xe tô của người dân để đưa ra các quy định cụ thể của cơ quan quản lý là vô cùng cần thiết. Điều này vừa đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu đô thị, chung cư, vừa đảm bảo quyền lợi cho cư dân cũng tránh được những hậu quả pháp lý đáng tiếc có thể xảy ra.
LINH NHI
Mức phạt hành chính đối với người chưa thành niên như thế nào?